
Nhớ hồi xưa
Nhà dì ba lúc nào cũng có ít nhất ba mươi kí gạo trữ trong mấy cái lu sành ngoài ga ra. Ngay trên đầu dãy lu là hàng kệ dọc vách tường, đầy kín các loại chai nước mắm, nước tương, dầu dừa, dầu ô liu, thêm vài hủ mắm cá, và cả chục gói mì khô. Hai năm trước dì cập nhật kiến thức dinh dưỡng, kết quả là mấy thùng mì gói ăn liền bị xóa sổ. Dãy kệ đối xứng là vô số muối đường tiêu và các gia vị khô khác. Nhìn thấy vài lần và nói chuyện với dì hoài mà tôi thuộc rành vị trí.
Dì ba nấu ăn ngon, nghe kể sơ ai cũng đoán được. Nhưng thương dì cỡ nào tôi cũng phải thừa nhận dì nấu nếm cực kỳ theo tâm trạng. Đồ ăn dì nấu thường ngon thật ngon hay khó nuốt đến nỗi không giả vờ để giữ phép lịch sự được. Nhiều nhất là mặn, mặn thiệt mặn, ăn xong uống ba ly nước, bụng ọc ạch mà cổ còn khô và miệng vẫn còn muốn uống tiếp. May là tôi ít ăn bên nhà dì, nên kỷ niệm thường là mấy món xuất sắc không ai nấu bằng.
Ngoài mấy bữa ăn chính, năm người nhà dì ba (bây giờ còn bốn rưỡi) luôn được thưởng thức các món tráng miệng, ăn chơi, ăn vặt, từ bàn tay chế biến khéo léo của dì. Rau mùi nào cũng có ngoài vườn, ớt và chanh tươi tốt quanh năm. Mất công chăm sóc nhưng đỡ đi mua, dì nói vậy, còn an toàn hơn mua ngoài chợ nữa.
Hồi xưa nghèo, lúc nào cũng thiếu ăn, dì không muốn cảnh đó lập lại, mà càng không muốn mấy đứa con dì đói bụng. Dì ba hay nói vậy mỗi lần có người hỏi sao dì trữ đồ như tiệm tạp hóa. “Tui biết đó trong đầu tui thôi, chứ ở đây làm gì mà đói”. Nhưng biết là một chuyện, nhớ là một chuyện khác. Trong mấy dì, dì ba kể chuyện hay nhất. Cả chuyện buồn nghe cũng đau hơn. “Dì không dứt ra được cái cảm giác những ngày đói rũ rượi chân tay. Ôm mền thiệt chặt vô bụng để bớt cồn cào”. Kí ức trường kỳ của dì ba xoay quanh chuyện thiếu đồ ăn thức uống, mà thường là nhường dì tư, dì út và đói lả vì bị phạt, những ngày đã rất xa xưa. Hồi tôi vừa khóc oe oe chào đời và nhà ai cũng thiếu thốn.
Rồi mọi thứ thay đổi
Một thời gian dài tôi không về thăm dì vì bận công việc ở xa. Lâu lâu cũng có khi bỗng dưng nhớ mấy món dì nấu. Tôi nghe tin dì và dượng chia tay, vẫn ở cùng nhà nhưng phòng ai nấy ở. Dì vẫn nấu cơm cho ba đứa nhỏ đều đặn. Tụi nó gầy nhom xưa nay dù ăn đủ món ngon và không bị đói bao giờ. Chắc theo gien di truyền của bên ba tụi nó. Bữa ghé thăm dì đúng dịp trước tết ta. Dì cắt bánh tét mới ra lò cho tôi thử. Tết này dì gói tặng hết họ hàng, thêm mấy người bạn nhờ gói giùm nên cả hai tuần nay cứ ba giờ sáng dì dậy lau lá, chuẩn bị rồi gói luôn đến tám giờ vừa kịp đi làm. Dì nói mà mặt tỉnh bơ, không cảm xúc gì hết.
Chuyện dì ba đâu có hiếm, những ám ảnh thời chiến. Bao nhiêu người đã đi qua. Kí ức của những điều đau đớn tột cùng hay ‘chung thủy’ với chúng ta, không chịu rời đi dù đã qua mấy mươi năm. Dì ba sống trong thời bình, nhưng sau những cuộc chiến luôn là chuỗi vết thương. Từ đói nghèo đến khốn khó thể chất và khổ đau tinh thần. Bản thân cô bé vừa lên mười đã có những cảm nhận buồn tủi riêng. Còn thêm mấy lúc cùng quẫn đến phát rồ của người mẹ phải chạy cơm nuôi bốn cô con gái. Rồi ba dì… “Ăn bánh tét nhớ hồi nhỏ bị đánh quá chừng, ổng đánh bằng khúc cây bự vầy nè. Nhưng không thể quên nhất là bị phạt bỏ đói. Lâu lắm mới có chút thịt mỡ và cơm trắng mà bị cấm ăn. Đêm đó dì khóc nguyên đêm, sáng lả người ngủ luôn đến đêm hôm sau…Lâu sau này mới thấy tội ông già, trước đó hận lắm, dì bị phạt và bị đánh nhiều nhất nhà mà, má cũng không can bao giờ. Đi lính khổ, nếu may về không sứt mẻ bộ phận nào đáng kể, nhưng ai cũng bị chấn thương bên trong. Đến giờ cũng không lành hẳn”.
Đúng rồi, đến giờ dì ba cũng chưa lành. Tôi nghĩ trong bụng mà không dám nói. Chấn thương tinh thần của những đứa trẻ bị bạo hành và bỏ rơi (neglected and abused developmental trauma*) cũng ghê gớm không thua gì những rối loạn hậu chấn thương tâm lý (post-traumatic stress disorder*) nặng nề của những người lính trận. Có thể tận sâu dì ba cũng biết nhưng chưa bao giờ nói ra. Dì có kể chuyện bạn dì tôi nghe, những ám ảnh khác, những nỗi đau khác, nhưng có vẻ đều bắt nguồn từ gốc rễ giống nhau.
Mấy hôm trước trong một bữa ít ỏi dì tư hứng lên tâm sự, dì tư kể lý do dượng ba và dì ba ly hôn. Dượng không chịu nổi chuyện dì nấu nướng liên tục và không chăm sóc bản thân. Nói hoài không chịu nghe, càng ngày càng trữ nhiều đồ trong nhà, mà không thèm để ý đến chồng nữa…
Và hiện tại
Tôi mong dì ba sẽ qua hết những điều ngổn ngang trong lòng. Chuyện tình cảm tương lai của dì không biết ra sao nhưng chắc rồi cũng sẽ ổn. Nếu dì chịu nói ra những cảm giác tận sâu trong lòng, nơi bắt nguồn của những dây dưa quấy nhiễu cuộc sống hiện tại, đó sẽ là một bước khởi đầu của chữa lành. Tôi mong nghe bữa nào nghe dì dõng dạc tuyên bố rằng ga ra đã thoáng bớt, mỗi thứ chỉ còn một chút. Rằng dì nấu mắm kho vì trời mưa thèm vị mắm kho của ngoại, dì hầm măng chân giò vì thằng Phương (con trai cả của dì) thích món đó mà nó sắp đi học đại học xa nhà. Mong một ngày nào đó dì xếp lại mọi đau đớn của quá khứ và trả chúng về cho dĩ vãng. Giống như dì đã chấp nhận và tha thứ cho ba dì. Tôi tin tưởng một ngày thật gần dì ba sẽ làm được điều đó và sống trọn vẹn với con người mình ở hiện tại.

Hai điều tôi muốn làm rõ: Một là lúc nào đó tôi sẽ kể tiếp chuyện dì Ba, tôi muốn dõi theo và chia sẻ những bước tiến (hoặc giậm chân tại chỗ) của dì. Hai là rất nhiều những chấn thương tâm lý cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý để thật sự được chữa lành và bình phục.
*Thuật ngữ trích xuất từ sách ‘The body keep the scores. Brain, mind, and body in the healing of trauma‘ của tác giả Bessel Van Der Kolk.