Khi nào thì nên viết? Viết cho ai? [Trích Free-writing 20′]

**Được truyền cảm hứng từ page “Viết để tự do”, mình quyết định chia sẻ nhiều hơn những dòng viết Free-writing của mình. Nó có thể là từ quá khứ, hiện tại và mình vẫn luôn duy trì nó trong tương lai. Viết tự do không suy nghĩ là cách viết hết mọi thứ trong đầu bạn, một mạch, không nhấc bút hay không rời khỏi bàn phím nếu bạn dùng máy tính. Thông thường, mình nhận ra mình hay viết trong nhật ký hoặc trong những lúc rất xúc động. May mắn được biết thêm về những người theo dòng viết này, mình cảm thấy cá nhân rất được chạm, rất được truyền động lực và hơn cả là yêu mến hơn những cảm xúc gồ ghề quanh mình. Một lần nữa, cảm ơn page “Viết để tự do” và Phiên Nghiên đã chia sẻ niềm đam mê của bạn qua việc viết!

“…..
Thông thường, khi có một cảm xúc, ví dụ như bực tức chả hạn, mình nhận ra nó, trải nghiệm nó và khi nó nguôi đi, nếu mình ngộ ra một cái gì đấy, mình muốn lưu giữ lại nó. Bằng cách này, mình có thể viết ra, vẽ ra, chuyển động ra hay thông thường nhất là kể nó ra cho một ai đó. Đôi khi mình cảm thấy, với trang viết của mình, mình muốn lưu lại những khoảnh khắc mình trưởng thành với con người mình. Do vậy, dạo gần đây, mình muốn viết về cả những câu chuyện mình cho là trắc trở với hành trình lớn lên, và không tích cực nếu phải ngồi đánh giá. Quay lại vấn đề là, khi nào thì nên viết? Một trường hợp đặc biệt mình vừa trải qua, đó là chuyện làm hỏng 16 cái bánh bao. Thực chất đến cuối mình đã cố gắng cứu vớt 4 cái còn lại, và nó ăn được, theo một phiên bản khác là chỉ có bột hấp lên, nhưng những cái còn lại, mình phải tách bỏ nhân. Để kể ra thì rất dài, và nó cũng chả hay ho gì. Mình đem sự kì vọng và năng lượng của mình để thực hiện tận 2 mẻ bánh – khi chỉ ở 1 MÌNH, vì nghĩ rằng nó sẽ thành công. Nếu không thành công thì ít ra thể nào cũng bằng chục lần trước mình làm. Nhưng mình đã thất vọng. Nhân bánh của mình bị hỏng, mình cho quá nhiều nấm và làm sao đó có chỗ nó bị chua và đắng. Mình không thể ăn nổi, và phải nhè ra trong lúc hấp những cái cuối cùng vào 1h sáng. Công sức nhồi bánh, nặn, vo viên trông rất trôi chảy và nên kì vọng, nhưng ngay từ ban đầu, việc ướp nhân và làm đã sai. Mình nhận lấy thành quả qua việc tức giận với chính mình, buồn ngủ và bất lực. Bỏ bát đũa qua đêm và nằm vật lúc 2 rưỡi sáng. Câu chuyện là mình đã giữ sự bực tức ấy cho tới sáng hôm sau nhưng không tìm cách giải phóng nó ra ngoài, và khi mình cố dồn nén nó thông qua việc bình tĩnh làm mẻ sữa đậu nành mà mình đã ngâm từ đêm trước thì một tai nạn xảy ra. Chúng bục ra, văng tóe loe từ chiếc máy xay ra ngoài. Chất lỏng cùng lợn cợn phần đậu nành xay nát tràn ra mặt bàn, chảy xuống chiếc tủ, chúng bắn thẳng lên chiếc áo của mình và chân mình ngập trong vũng nước màu trắng đục to oành.

Nhưng bạn biết không, cái giờ phút nó văng lên như thế, mình thực sự thấy thỏa mãn. Thật là kì lạ, khi bên cạnh đó vẫn là một câu than thở xuất hiện trong đầu: “Lại phải dẹp!” nhưng cái lúc nó tỏa bay vèo ra như thế, mình cảm giác như đó là cơn giận dữ của mình. Chúng được bộc phát ra ngoài dưới một hình thức khác, với một chiếc máy và lồng sữa đậu chưa chín đầy phèo. Chỉ đến khi thực sự lau dọn xong bãi chiến trường ấy, mình nhận ra những cảm xúc của mình được giải tỏa. Chúng dịu lại không giống như những đợt sóng vỗ ào có thể gây gãy xương người mà mình hay thấy trên tivi, đập vào chân núi đá nhọn hoắt. Chúng như con nước lành, tỏa mềm mại và đẩy nhau nhẹ nhàng thôi. Và ngay lúc đấy, mình nhận ra, mình muốn viết điều ấy. Nhưng, vâng dĩ nhiên là có nhưng ở đây, mình không thể giữ trong lòng lâu được khi gặp người thương mình, và chúng mình nhận ra rằng, cái thời điểm chúng mình kể cho nhau nghe những cảm xúc và sự kiện bọn mình đã đi qua, tự dưng lòng mình thấy không cần thiết phải viết nữa. Mình tự hỏi, đằng sau điều ấy là gì? Vì sao khi đã ngỡ chờ đến đúng thời điểm viết rồi mà lại không muốn viết nữa vì điều xảy ra trước đó là đã chia sẻ? Mình tự hỏi, mục đích của việc viết là gì? Mình đang viết cho ai? Mình đang viết cho mình hay cho một người khác đọc, mình viết cho người yêu mình đọc hay mình viết cho những người mình muốn chứng tỏ? Mình có viết cho mình không? Có viết cho cảm xúc của mình không? Viết tự do có nên đăng không? Viết tự do có phải là đúng hình thức cần viết lúc đó không? Và tại sao, tại sao, lại phải ngăn cản mình viết vì bất cứ lý do nào liên quan đến thời điểm, liên quan đến cảm xúc, liên quan đến những thứ mà mình đã kể?

Phải, Bâu bảo với mình rằng, những điều Bâu muốn viết, trước tiên là cho mình đọc. Và đó là cảm giác của việc chia sẻ. Chia sẻ những phần trong đời sống mà mình không nhìn thấy ở người kia, chia sẻ những điều mà được xúc chạm nhưng chưa có dịp để kể. Và khi câu chuyện được kể ra trong những đối thoại của bọn mình hàng ngày, những khát khao của việc viết tự dưng lắng xuống. Mình nghĩ đó là mục đích viết, viết để tỏ lòng mình, cho những người mình yêu thương, viết cho mình để được tìm thấy những điều mình còn đang giấu. Còn mình? Mình viết để làm gì? Tự nhớ lại quá trình bản thân viết liên tục trong những trang nhật ký từ bé tới giờ, mình nhận ra rằng, những điều mình viết, mình đa số quên. Đến một ngày, đọc lại, chúng trỗi dậy trong lòng mình hoặc mình chả tài nào liên kết được nữa. Nhưng chúng vẫn là một phần trong lòng mình. Chúng là mình chứ không giả đi, dù mình có sợ mình đọc lại nên nhiều chỗ còn viết giấu đi thông tin lúc ấy nữa. Nhưng mà, chúng chả phải ai khác, chúng là mình. Và vì viết ra như thế, mình chết đi để rồi sống lại. Mình tái sinh sau mỗi lần viết, mình gói đi phần cũ và mở ra những điều mới. Đến đây tự dưng cảm thấy hết biết mình đang viết gì nữa rồi. Rồi viết lại thành không viết. Và không viết lại thành viết.”

Trích trong một trang Free-writing 20′. Không đọc.

Hậu chuyện viết

Sau khi viết những dòng này, vào buổi chiều, mình đã hấp lại và cắn thử 1 chiếc bánh bao hôm đó mình làm. Hóa ra, nó không tệ như mình tưởng. Khi được hấp lại lần thứ 2 với 10′, bánh trở nên ấm, mềm, xốp và ngọt. Mình không hiểu đã có chuyện gì làm thay đổi vị giác đến như vậy, khi chỉ hôm trước mình thấy nó rất tệ, chua và đắng. Cuối cùng chỗ bánh bao được ăn hết túc tắc mấy ngày sau với mấy cốc sữa đậu nành nóng hổi. Hai thứ mình tưởng đã làm hỏng và mang sự bực tức tới lại là những thứ cơ bản nuôi mình mấy ngày khi lịch làm việc thật bận rộn và mình không có thời gian nấu nướng. Mỗi lần ăn mình đều thấy rất vui vẻ, và nhận ra ăn lúc nóng sẽ ngon hơn rất nhiều. Thật là may mắn! Cái nhìn của mình về chiếc bánh không còn to, xấu, gồ ghề nữa mà trắng trẻo, xinh xắn.

Chiếc bánh bao ngồi nặn lúc còn sống. Rất kì công uốn từng cánh một
Chiếc bánh bao đây! Tà ta! Có thể có hai trứng hoặc một trứng

Dù vậy, mình vẫn nghĩ cần cẩn thận hơn trong quy trình làm bánh. Những điểm lưu ý sẽ được note lại cho những mẻ bánh tiếp tới! Và thật mừng, khi mình đã quyết định làm và trải nghiệm hành trình cảm xúc xuyên suốt từ đầu. Mình tự dưng muốn cám ơn bản thân và động viên chính mình bằng cách tự xoa lấy bắp tay và vỗ bàn lưng mỏi. Mình học được rằng, nếu như không quyết định làm một điều gì mới, những dòng viết trên có lẽ sẽ không được viết ra; nhờ dám làm, mình được hiểu hơn chính mình và lại gần hơn chút nữa con người bên trong mình.

Mình thật muốn nghe những câu chuyện từ những ai đọc đến dòng này. Chắc hẳn bạn đã rất kiên nhẫn để đọc những dòng viết “hỗn loạn” tại đây . Liệu bạn có thể cho mình biết, loại bánh nào bạn yêu thích không? Và câu hỏi sau không mấy liên quan, nhưng mà, khi nào thì bạn thấy mình cần viết?

9 Comments

  1. Với cô, viết là một cách để nhìn thấy sự có mặt của mình trong đời sống hằng ngày. Cái kiểu I write ;therefore, I exist.
    Còn bánh thì cô thích nhiều loại bánh, kể cả bánh bao, bánh bột, v.v… . Mỗi mùa có loại bánh cô khó mà biết bánh nào cô thích nhất. Mùa thu dịp Halloween và Thanksgiving, trời se se lạnh có bánh coconut custard, ăn chung với nước apple cider hâm nóng cho quế vào, khá hấp dẫn.

    Liked by 1 person

    1. Cháu thật tò mò loại bánh coconut custard sẽ trông và vị thế nào. Tưởng tượng ra thì vị béo thanh uống kèm ngụm trà táo thấy ấm cả người cô ạ.
      Đối với cháu việc viết giống như là dừng lại một cái gì đấy để có khoảng trống cho những thứ khác diễn ra. Không biết đối với cô, giây phút nào khi viết cô cảm thấy sống nhất ạ? Hay là nó là cả một quá trình mình tận hưởng điều đó.

      Liked by 1 person

      1. Cô không có chiêm nghiệm xem khoảnh khắc nào thì cảm thấy sống nhất, viết hay không viết. Ngày xưa, khi mới bắt đầu tập tành viết, cô có những lúc hoàn toàn nhập mình vào chuyện viết, người Mỹ có phrase “in the zone” để nói về trạng thái này. Lúc ấy trí óc cô trong trẻo, hoàn toàn tập trung, cô nghĩ được những câu văn mà cô vừa ý, thấy người bừng bừng sảng khoái, viết không kịp sự suy nghĩ của mình. Bây giờ cô không có cái trạng thái đó nữa. Cô viết cũng như đọc, ăn, uống, ngủ, nó trở thành cái thói quen đều đặn, thiếu một hay hai ngày thì không sao, nhưng sau đó phải viết. Không viết thì có chết không? Không chết, nhưng chắc cuộc sống kém thú vị. Cô không được trò chuyện với những người thích viết và cần viết như cháu vậy. Có nghĩa là không phải chỉ hành động viết, mà cái lợi ích tinh thần do việc viết mang đến làm cho cô thích viết? Có lẽ, nhưng không chỉ có thế. Bởi vì nếu không có bạn viết để trò chuyện cô vẫn viết, vẫn cần phải viết, vì khi viết mình có suy nghĩ, có tư duy, và thấy mình tồn tại, thấy mình đang sống. Lúc nào thì sống nhất? Để từ từ, lâu dài cô chú ý, ghi chép, rồi mới có thể trả lời câu hỏi của cháu.

        Liked by 2 people

        1. Cảm giác ấm áp là thứ đầu tiên hiện đến khi cháu đọc những dòng viết lại của cô. Cháu tưởng tượng rằng viết như một người bạn không chỉ xuất hiện ra dưới ngòi bút mà còn quấn lấy suy nghĩ của cô trong đời sống hàng ngày vậy. Cháu đã từng trải qua cảm giác mãn nguyện khi viết, nhưng khi đọc lại thì run rủi sợ hãi, thậm chí còn lo sợ việc chia sẻ với người khác, có lẽ chăng có những cảm xúc mà viết bầu bạn với mình, mình chưa dám tỏ để đồng hành với bạn mọi lúc.
          Cháu rất thích được là người trò chuyện với cô về việc viết, nếu một lúc cô nhận ra điều gì từ việc sống trong ghi chép của mình, cháu muốn được đặt câu hỏi thêm ạ!

          Like

  2. Hồi bé, độ còn ẩm ương dậy thì hay đầu 2x gì đó. Mình có một tình huống là “đã viết rồi mà vẫn không đỡ”. Tức là thông thường có vấn đề gì, chỉ cần mình viết ra, cảm xúc sẽ dịu xuống, có thể mình sáng tỏ ra nguyên nhân nữa. Ngược lại, viết ra rồi vẫn lấn cấn thì chắc nó là vấn đề thực sự to rồi.
    Còn vài năm gần đây khi viết đều đặn thì đôi khi các cục cảm cúc bị tắc được thả ra rất nhanh. Có khi viết xong còn không cần chia sẻ với bạn bè nữa. Nhiều lúc mình cũng lấn cấn chuyện viết hay nên nói. Giờ cũng chưa có câu trả lời :))
    Anw, xin chốt lại là mình thích cheese cake, gần đây do dịch thì mới khám phá ra là có thể làm cheese cake (nobake) hoàn toàn từ sữa tươi. Nhưng loại bánh mình có thể làm được và thấy cũng ổn chỉ có bánh chuối. Nên là thấy cực kỳ hâm hộ các bạn có thể làm các món phức tạp mất thời gian (như bánh bao chả hạn :D)
    Cảm ơn bạn vì bài viết, đọc về “viết” xong cũng gõ ra dạt dào chữ. Vui ghê ☺️

    Liked by 2 people

    1. Có vẻ đây là lời khen về làm bánh mà khiến mình tò mò về chiếc bánh của người khen mình nhất mà mình từng đọc :)). Lyndros có thể chia sẻ về cách làm bánh cheese cake được không nhỉ?(bật mí nhỏ đừng nói lớn là mình là fan của cheese cake đó)*reo hò!!
      Về chuyện viết, mình tự hỏi cách thức bạn viết trước kia và bây giờ có khác nhau không? Bây giờ không còn lấn cấn nữa Lyndros có viết tiếp không? Hồi xưa viết xong còn lấn cấn thì còn viết tiếp không?

      Câu chuyện viết của mình cũng kì lắm nên được có những người đọc và viết lại cho mình, mình vui lắm ấy! ^^ Cám ơn bạn ha!

      Like

      1. Ui, rất xin lỗi vì trả lời trễ quá 😀
        Hồi xưa thường là mình không đi đến tận cùng cảm xúc. Cũng không hay công nhận cảm xúc của bản thân, mà hay gạt nó đi, kiếm cái gì vui vẻ để đè nó xuống. Viết cũng thế, k dám viết đủ để vỡ ra thứ gì đó, chỉ một vài đoạn ngắn ngắn.
        Giờ thì thường viết hết nấc, càng viết càng hiểu mình hơn. Rồi dạo này mình cũng để ý sắp xếp tư duy khi viết (theo chủ đề) nữa, vì mình thích đọc từ những người viết tốt và mình cũng muốn trở nên như vậy.
        Mình đặc biệt thích theo dõi các blog (như Đường tiệm cận nè) vì những thông điệp/ hoạt động giản dị mà được truyền tải ra dạng chữ viết nó lắng đọng, cảm giác như được thấu hiểu ó :3

        Liked by 1 person

      2. Còn vụ cheesecake thì mình chưa có làm thành công đâu, (mới chỉ thành công biến sữa thành cheese thui) giờ mình mới đang ở lever bánh chúi – độ khó 1* thôi ó
        Về phần công thức thì bạn tìm trên trang của Savoury days nhé.
        Và đây là cách biến sữa thành whipping và creamcheese – 2 thành phần chính của cheescake:
        Whipping
        – 1 phần bơ (bơ làm ấm cho tan và để nguội) – 1.5 phần sữa
        – Cho hỗn hợp vào máy xay sinh tố xay đến khi không tách lớp được nữa
        – Để tủ lạnh 3-4 tiếng
        Cream cheese:
        – Đun ấm sữa tươi và nước chanh theo tỉ lệ (100ml sữa 6ml côt chanh), để nhỏ lửa cho đến khi sữa kết tủa hêt.
        – Lọc lấy kết tủa
        – Bỏ phần đã lọc vô máy xay sinh tố vs 1 xíu muối cho đến khi nhuyễn mịn (đặc quá thì thêm dần xíu sữa tươi.
        Rùi, xong 2 cái quan trọng trên thì cậu vô Savourydays kiếm công thức cheesecake no bake và test thui.
        Độ khó cũng 1* nên mình đặt gạch hóng bài viết thành phẩm nhé :’)

        Liked by 1 person

        1. Mình cũng hay theo dõi Savoury lắm. Nhờ bên đó viết chi tiết mà các bánh được làm từ công thức bên đó không mấy khi bị hỏng (Hoặc là hồi xưa hỏng nhiều quá rồi nên giờ tự động quên lãng ~). Cream cheese có vẻ làm dễ nhỉ, whipping đã có, thế thử mò làm rồi lại ăn thôi. Trời lạnh rồi tâm hồn ăn uống lắm! :”>

          Thi thoảng đọc comment bất ngờ cũng thích nhỉ! Nó không phải giao tiếp như thông thường là ấy nói một tớ nói một ngay mà cứ để thời gian trôi qua một tị rồi hôm nào nhớ ra thì lại viết tiếp. Lyndros cũng viết tiếp và mình cũng viết tiếp, viết chán chê mê mỏi thì thôi :))))

          Gửi tới một cái ôm!🌷

          Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.