Diễn tả bản thân qua ba tính từ

Khi tôi 22 tuổi, tôi không biết mô tả chính mình!

Chắc vào tầm tuổi ấy, thập niên của những năm đầu tuổi 20 đến lưng chừng giữa, tôi như bị ai thiết chặt họng mỗi khi bên tuyển dụng hỏi: “Hãy dùng 3 tính từ để mô tả về bản thân bạn!”. Lúc đấy tôi cảm thấy như tuyệt vọng và chán nản, bởi sự khuôn mẫu mà hàng loạt nơi tôi đã từng kinh qua. Đừng nhầm lẫn, nhận câu hỏi đấy không phải thất bại trong đợt thi tuyển, nó chỉ là dấu chấm hết cho những gì tôi cảm thấy về mình. Tôi vẫn đi qua nó, nhận việc, và làm việc trong gần 20 năm trở lại đây.

Dù vượt qua vô vàn loạt phỏng vấn, đi qua hàng chục công việc khác nhau, tôi vẫn tự hỏi mình câu đó vào những giờ phút ấy? Tôi là ai với 3 tính từ? Tôi liệu có thể biết được rằng, mình chính xác sẽ được nhìn nhận thế nào? Càng nghĩ, tôi cảm thấy mình là tất cả và cũng chả là gì.

“Em có thể mô tả về một người trong 3 tính từ chứ?” Tôi hỏi

“Dĩ nhiên rồi!” Họ nói

“Em có thể mô tả về mình trong 3 tính từ chứ?” Tôi tiếp

Suy nghĩ một chút, rồi gật đầu. “Em nghĩ mình cần suy nghĩ một chút về nó, nhưng em tin là được!”

“Em có thể mô tả về tôi trong 3 tính từ chứ?” Tôi ngập ngừng hỏi

… “Ồ, thật sao?”

Một cuộc hội thoại như vậy, tôi không nhớ mình có kí ức gì về nó hay chưa? Lúc ấy bọn tôi cũng không đang chơi Johari window*. Có lẽ, những dòng suy nghĩ chật chội sau cùng luôn là thứ mà chúng ta ngẫm nghĩ về bản thân chứ không phải về người khác. Sự chột dạ, gai sần trên da khi rùng mình nhớ về một hình ảnh quái dị xảy ra với ta trong quá khứ, mượt mà như lông hồng vương nhẹ trên bờ da là của chiếc hôn trong mối tình đầu và mơn mởn như cỏ mọc hoang khi ta thành công một điều gì đấy. Những sự uẩn khúc về bản thân mình chỉ kịp trồi lên vào mỗi tối trước giờ đi ngủ, ít khi nào chiếm lấy ta một đêm thức trắng, hoặc ít khi nào ta để cho mình suy nghĩ thật lâu. Ta không nghĩ vì ta biết, chỉ vài tiếng nữa, ta sẽ phải có mặt trong ca làm đầu của một ngày dài chen chúc những lịch tiếp nối. Và sự hiện sinh trong bờ cõi tâm hồn bỗng không thể bằng sự tồn tại của một cơ thể cần sống và sinh tồn.

Nhưng không chỉ làm việc để sinh sống, tôi làm việc như có một thứ khác ngầm ẩn bên trong chi phối mình. Với bất kì công việc nào, hết mình vì nó sẽ là gạch đầu dòng đầu tiên tôi đưa ra. Đúng giờ và chuẩn deadline là điều không bao giờ thiếu. Nghiên cứu về mọi thứ trong công việc và sẵn sàng tìm hiểu đủ điều dù không ai đòi hỏi. Trong đầu, hiếm khi tôi nghĩ về mình dưới con mắt người khác như thế nào. Tôi chỉ nghĩ, làm sao để tôi làm tròn, thậm chí làm hơn mức đủ cho công việc ấy. Nếu người ta đánh giá tôi như một kẻ may mắn, tôi sẽ không chịu nổi điều đó, điều tôi mong là, họ thừa nhận những gì tôi đóng góp do năng lực của mình.

Dù để ý mọi điều nhỏ nhoi và sẵn sàng làm ngoài giờ để khiến công việc thật như ý mình, đề nghị tăng lương chưa từng được tôi thốt ra khỏi miệng. Tôi chưa bao giờ than phiền về vấn đề nặng nhọc trong công việc. Cũng chưa bao giờ lấy lý do sức khỏe để chậm trễ hạn, tôi thấy nó chỉ là một cái cớ. Tôi e sợ khi dùng nó! Nếu họ thật sự muốn hoàn thành công việc ấy và làm nó hết mình, họ sẽ làm được; còn nếu họ không thật sự muốn, có hàng tỉ cái cớ để hợp lí hóa điều họ không muốn. Tôi không muốn là người kiểu như thế trong mắt chính mình.

Có một lần đánh cờ vây trên mạng, tôi thấy một chiếc nick có cái tên quen quen. Sau vài ván cờ, chúng tôi mới nhận ra mình là đồng nghiệp trong công ty. Công ty có quá nhiều cơ sở, ban ngành và nhiều người. Tôi đã không nhận ra cô ấy, chỉ mang máng khi có lời chào hỏi trước. Thật thú vị khi gặp online thế này, trong dịch covid. Chúng tôi chỉ trao đổi một vài thứ ngắn ngủi. Cô ấy giờ đang làm một cơ sở khác, tôi thì mới chuyển đi. Cuộc trò chuyện diễn ra thật chớp nhoáng nhưng êm ái.

Ít ra, tôi không quá “vô hình” như tôi nghĩ.

Tôi luôn nghĩ mình là một người trong suốt, vô hình, và có thể là bất cứ cái gì, và cũng chả là cái gì. Tôi không ưa chuyện làm quen thân thiết, và muốn làm mọi việc tới mức giới hạn của nó. Để ý những điều khác thường: như rèn luyện sự cân bằng giữa tay trái và tay phải, như đi đường không cần dùng tới gps, khi leo lên bất cứ phương tiện di chuyển nào có thể, khi kiểm soát được sự chênh lệch múi giờ giữa các vùng địa lý, khi có thể ăn uống bất cứ thứ gì trên thế giới mà không bị dị ứng,…. Những thứ đó, thôi thúc tôi hơn nhiều so với việc kể về mình cho người khác và trở nên “thân thiện” với tất cả mọi người. Nhưng không có nghĩa, những điều tôi không muốn là những điều tôi không thể làm. Một lần nữa, tôi nhận ra, mình hoàn toàn có thể làm những điều ấy, theo cách tốt nhất.

Vậy lý do gì cho việc, chỉ với 3 tính từ đơn giản mà nhà tuyển dụng đưa ra, tôi lại làm khó bản thân mình đến thế?

Tôi không thể chỉ nói, mình là một người nỗ lực, học hỏi nhanh và năng suất cao hay sao? Ít ra là trong công việc?

Cuối những năm già cuối đầu 2 và đầu 3 chấm mấy tuổi, tôi tự dưng nhận ra được vài điều trong mình. Có lẽ trải nghiệm làm việc khi đó cũng khá đủ để tôi thấy được những thói quen khó dịch chuyển và nhận được nhiều lời nhận xét đa phần giống nhau về bản thân. Tôi tìm được 2 tính từ “responsible, adaptable”, “có trách nhiệm và có khả năng thích nghi”.

Công việc gần đây nhất khi được hỏi câu hỏi 3 tính từ, tôi đã liệt kê hai tính từ nêu trên và dõng dạc nói nếu họ mướn tôi, họ sẽ thấy rõ tính từ thứ 3 sau ngay tuần đầu tiên. Sáu bảy năm đã trôi qua, chưa bao giờ phần còn thiếu ấy được điền vào chỗ trống. Tôi cũng không màng nhắc lại. Tôi đã hết bị ràng buộc trong 3 tính từ. Tôi hiểu rõ mình có thể là ba tính từ khác nhau ở từng thời điểm. Tận sâu trong lòng, tôi biết 3 tính từ là điều tôi mong mỏi ở bản thân mình và thật sự tin tưởng mình là con người đó. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình câu hỏi ba tính từ, và vui vẻ tự trả lời chúng một cách thoải mái nhất. Tôi cảm thấy lúc đó, đầy đủ và vừa vặn, tôi là chính tôi.

Đó là câu chuyện về 3 tính từ theo đuổi tôi từ mấy mươi năm nay. Tôi cảm nhận sự gần gũi với bản thân hơn khi có trong đầu những từ ngữ trung dung rõ ràng mô tả về chính mình. Chia sẻ với mọi người thật nhẹ lòng. Chúc một ngày đẹp, hoặc một đêm bình an, dù bạn ở nơi đâu trên quả đất tròn.

*Theo từ điển APA (American Psychological Association), Johari window là mô hình được sử dụng để đánh giá mức độ giao tiếp cởi mở và chân thật giữa các cá nhân. Mục tiêu làm tăng lượng thông tin chung về một cá nhân mà cả người đó và người khác đều biết. https://dictionary.apa.org/johari-window

8 Comments

    1. Those three words are really a wonderful combo. Best of all, you know yourself that well and be able to articulate it. Thanks for sharing Thao!

      Liked by 1 person

    1. Rất vui vì Lơ Mơ đã tham gia, làm khó bạn chút nhé, nếu phải xếp theo thứ tự, thì tính từ nào được huy chương vàng, bạc, và đồng?

      Like

      1. mình viết theo thứ tự mình đánh dấu chọn đấy! Nên mình nghĩ rằng cái nào chắc chắn nhất sẽ chui lên hàng đầu. Dù gì, mình cũng có những tính từ khác nữa để mô tả bản thân nhưng không liệt kê trong danh sách!

        Liked by 1 person

  1. Tại sao ra khỏi công sở mà vẫn liệt kê tính từ đc ưu tiên trong job application thế này😋😋😋
    Mình là: sweet, kind và open-minded đấy😊😊😊

    Liked by 1 person

    1. Để thế này cho mấy người “sweet, kind, and open-minded” vô điền thêm tính từ hay ho mà không phán xét gì :)))
      Cám ơn ngocleminh!

      Like

  2. mai sẽ là ngày cũ
    mười năm sau tích đủ
    sẽ lại khờ và ngu
    sẽ lại tiếc vi vu
    những khôn ngoan đáng lẽ
    nhưng cũng cười khe khẽ
    một chuyện đời đủ ngu.

    Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.