Sự thấu cảm

Ảnh bìa từ nguồn Pinterest/movingthesoulwithcolor.com

Tôi nghĩ mình phải viết điều này.

Thắp một ngọn lửa vào đêm tối, tôi đối diện với chính mình. Con người trần trụi mà trong suốt đang thét gào được bóng tối che lấp. Không! Tôi đưa ngọn lửa tới gần soi chiếu nó và nói rằng: “Ánh sáng này có thể khiến cậu lạ lẫm một chút, cậu sẽ không ở trong bóng tối được nữa. Nhưng cậu sẽ ấm lên một chút!”

Và chúng tôi ngồi nghe những câu chuyện của nhau với nhau và trò chuyện.

Sự thấu cảm và niềm hi vọng

  1. Sự thấu cảm

Đây là điều tôi đã nghe nhiều lần, văng vẳng bên tai những lời truyền dạy của thầy cô, sự phân biệt trong các buổi đào tạo chuyên môn hay các workshop, phân biệt sự “đồng cảm” và “thấu cảm”. Từ khi là sinh viên tôi đã quen với khái niệm này, một khái niệm như có nguồn sức mạnh lớn lao ẩn chứa sâu trong cái từ gồm 2 chữ ngắn đấy; nó mang ý nghĩa nhân văn, một sự kết nối cảm xúc vĩ đại và đôi khi còn bao hàm sự cứu trợ rất đúng thời điểm mà một người cần ở người khác. Và cũng chả lạ gì khi người ta nhắc đến nó nhiều đến thế, nơi mà chính con người mình đã lạc lối với sự nhân ái có sẵn và để nó trở thành một hiện tượng tranh luận khi từ “thấu cảm” được đưa ra trong một đề thi tốt nghiệp cấp 3

Photo by Anna Shvets on Pexels.com

Vậy thấu cảm là gì thế?

Trong những năm còn là sinh viên học Tâm lý học, tôi được phân biệt điều này một cách khái quát về mặt hình ảnh. Tưởng tượng cuộc nói chuyện giữa 2 người với nhau, người A kể cho người B một câu chuyện về những cảm xúc đau khổ tưởng chừng như xé da xé thịt, người ấy có thể vừa chia tay bạn trai không lâu. Người B nghe chuyện người A kể mà như sống trong thật thế giới người kia, cũng đau như xé da xé thịt, cùng khóc, cùng buồn; thậm chí, như sống lại cuộc chia tay của chính mình về trước. Vế sau, có thể người B sẽ nói một điều gì đó với người A, nếu như B là A, B sẽ làm thế này, chả khác gì B là A thật.

Nhưng liệu rằng những điều mà B nói với A có phải là đặt vào trong trường hợp của A để nói vậy hay B đang nhìn lại chính mình trong mối quan hệ cũ mà nói ra thứ mình hối tiếc/thứ mình đã làm/thứ mình sẽ làm dưới dạng thấu hiểu nỗi đau cho A? Liệu rằng B có ổn sau khi mọi chuyện đã qua, để chia sẻ với A sự kết nối lành mạnh về mặt cảm xúc? Liệu rằng sau cuộc nói chuyện đó, người đau khổ sẵn là A và giờ có thêm B là kẻ đau khổ nữa? Và tại đây B bị dính mắc cảm xúc của A mà chính B cũng không phân tách ra được.

Một câu hỏi được đặt ra, nếu B chưa từng trong hoàn cảnh như A, B chưa từng có cuộc chia tay nào tới mức xót xa như vậy thì B có thể đồng cảm với A hay không?

Bản thân chữ “đồng” đã có ý nghĩa của riêng nó, đồng bộ, đồng – cùng – chung một hoàn cảnh, cùng chia tay, cùng ly hôn, cùng mất con,… Nó tạo ra một sự liên hệ nào đó về mặt cảm xúc dù ít dù nhiều cho người trao đổi. Nên người ta dễ đồng cảm hơn với những người có ít nhiều chung hoàn cảnh với mình, nhưng, điều đó cũng không có nghĩa rằng không chung cảnh ngộ thì không có sợi dây liên hệ cảm xúc, con người luôn chứa chan những cảm xúc trong lòng. Những trải nghiệm đầy ắp trong mỗi người là độc nhất vô nhị không ai giống ai và đều có một ý nghĩa nào đó. Chúng ta sẽ vẫn có cảm giác, chỉ là chúng ta cảm nhận ở mức độ nào, thể hiện nó ra sao và muốn hiểu nó đến đâu. Đến đoạn này lại sang một bước khác, thấu cảm _ câu chuyện cần có sự can thiệp của ý chí.

– “Hãy để cho tôi được ở gần cậu thêm chút nữa! Có thể tôi sẽ không thể sống được trong câu chuyện của cậu nhưng tôi sẽ cố gắng để có thể lắng nghe nó trọn vẹn, để tôi yên tại vị trí này và thử nhìn theo cách cậu đang nhìn thế giới.”

Người cầm đèn nói với con người trong suốt như vậy. Và dù người trong suốt sụt sùi đến đâu, người cầm đèn vẫn để mình yên tại đây, tách bạch khỏi thế giới của người trong suốt nhưng mọi hình ảnh, khoảnh khắc, chuyển động của thế giới đó lộ diện hoàn toàn trước mặt. Họ để mình hiện diện và người kia được bộc lộ toàn vẹn như người ấy là. Đồng hành về mặt cảm xúc, về câu chuyện có thể lên xuống, có thể như dao tạc vào bên trong, cũng có thể như được nhấc lên cao vút như một cánh én, nhưng người cầm đèn luôn nhắc nhở mình chỉ là người cầm đèn chứ không phải cái bóng. Giữa hai người đang trò chuyện có một dải lụa trong suốt. Những đau khổ, tuyệt vọng được người thứ nhất truyền sang đi qua một bộ lọc tinh khôi và trong trẻo. Những cảm xúc ấy không còn gây hại người nghe và không khiến người cầm đèn run lẩy bẩy. Để đạt được trạng thái ấy, cần sự nỗ lực rất lớn của ý chí, của thực hành và trên hết là tâm niệm của người cầm đèn.

Đó là sự thấu cảm. Hay nói đúng hơn, là cả một hành trình thấu cảm.

Một người thực hành tâm lý, một nhà tham vấn, trị liệu là một người cầm đèn. Dưới áp lực của việc hỗ trợ, trong một không gian tăm tối, những cảm xúc và trải nghiệm tồi tệ của thân chủ, niềm thấu cảm là thứ duy nhất và mang sức mạnh hồng hoang nhất cho nhà thực hành/tham vấn/trị liệu và cả thân chủ. Một mối tương giao thật sự không thể duy trì nếu thiếu sự thấu cảm, và nó không chỉ lặp lại một lần, nó được thực hiện xuyên suốt. Như đã nói, cả một hành trình thấu cảm được sinh ra, duy trì và tái sinh giữa 2 người. Tôi có thể nói, tôi căm ghét gia đình mình mà người kia không cảm thấy tức giận. Có điều gì đằng sau ấy nữa? Có điều gì mà anh ta/cô ta muốn nói? Có điều gì mà bạn chưa nói? Tôi có thể ở đây và lắng nghe bạn nói thật trọn ý của mình.

Một hành trình thấu cảm để nỗ lực đưa người trong suốt ngày càng tiệm cận tới con người đích thực của mình

2. Hi vọng

Thật khó để người cầm đèn tìm ra và ngồi cạnh người trong suốt ở trong bóng đêm nếu không có ngọn lửa soi sáng. Bản thân người cầm đèn đã cầm sẵn một vật chiếu sáng, sáng cho người đi, tìm tới người muốn đến, hay cần tới. Hay như một ngọn hải đăng, luôn bật sáng cho những con thuyền đi lạc muốn tới hỗ trợ có thêm gợi ý. Một ánh sáng nhỏ nhoi trong không gian đen thẳm với người trong suốt có thể là một hi vọng. Hi vọng của người cầm đèn trước tiên, xuyên tới và rọi chiếu trong người trong suốt. Và khi người ấy đủ sáng, họ cũng tự tìm thấy ánh sáng của riêng mình.

Hi vọng có thể lan tỏa. Một ngọn lửa, ánh sáng của nó có thể lạ lẫm đôi chút với người quen trong bóng tối, nhưng nó có khả năng sưởi ấm mọi điều nếu đủ gần. Người trong suốt la lên: “Ôi, tôi thấy mình đang phát sáng”. Họ nhận ra bấy lâu nay mình không phải chỉ toàn đen thẳm, mà họ đen thẳm vì sự trong suốt. Sự trong suốt của họ cũng có thể ngập tràn ánh sáng.

– Và tôi cũng biết yêu. Không chỉ mỗi thù hận, đau khổ, buồn bã và sợ hãi. Tôi cũng mạnh mẽ và dũng cảm. Tôi cũng biết nói, phản chiếu chứ không chỉ thu nhận. Và tôi cũng đang ấm, ấm dần lên!_ Người trong suốt nói.

– Ừ, tôi cũng đang nhìn thấy điều ấy. Ngay trước mắt mình_ Người cầm đèn nói

– Hãy cho tôi biết, ngọn lửa được lấy từ đâu? Làm sao tôi có thể duy trì sự ấm áp này?_ Người trong suốt hỏi

– Tôi lấy ngọn lửa từ trái tim mình, sau khi gặp một người cầm đèn. Ánh sáng của họ thu hút tôi và họ cũng tiến lại gần. Tôi cũng là một người trong suốt. Sau đó, tôi đi tìm những người trong suốt khác.

Người cầm đèn trả lời.

Photo by energepic.com on Pexels.com

2 Comments

  1. Mình rất cảm ơn bài viết này của bạn nha. Dường như chính bản thân mình cũng nhờ bài viết này mà ngộ ra nhiều thứ lắm. Cảm ơn bạn thật nhiều!<3

    Liked by 2 people

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.