Con đường kí ức

Con bé chơi dại. An nhớ con bé ấy. Nhớ qua lời nói của người khác không phải ý thức của chính mình. Chỉ hành động và sự kiện còn in dấu trong kí ức. 

Hôm nay trong giấc mơ chập choạng bất chợt An thấy hình ảnh con bé, nó đứng trước gương và làm động tác cầm đèn laser soi thẳng vào.. con ngươi mắt trái. Không thật rõ đã loà đi một lúc thế nào, không rõ những gì kế tiếp. Rất lâu về sau An vẫn nghe câu nói ‘con bé chơi dại’ vang trong đầu mỗi khi nghe tất cả mọi thứ liên quan đến chuyện đèn laser. Không nhớ ai nói câu đó lúc ấy. An chỉ nhớ con bé đang học lớp năm. Mấy năm gần đây hình ảnh đó ít xuất hiện dần rồi mất hẳn, cho đến hôm nay.  

An lớn lên trong một đại gia đình, sống chung với ông bà cô chú dì dượng, anh chị em họ và khói thuốc. Bố và mấy chú An đốt thuốc sáng đêm, chắc chỉ ngoại trừ lúc ăn, ngủ và vệ sinh cá nhân. Nó quen thuộc đến mức khói thuốc và mùi thuốc lá trở thành một phần mặc định của không khí gia đình. Tất nhiên An cũng muốn thử hút thuốc để coi nó ‘thường’ đến cỡ nào. Điếu đầu tiên hồi học tiểu học, nhỏ xíu. Hình ảnh hiện trong đầu là cái đầu cháy sáng của điếu thuốc gần ngay trước mặt, không thấy người hút, còn ai vào đây nữa chứ. Câu chuyện không dừng lại ở đó. Không có sặc ho ầm ĩ như người ta hay làm trong phim. Chỉ có hình ảnh cô sáu và chồng cô chạy loăn xoăn với mấy xô nước và mớ khăn lông ướt mẹp. Trong lúc vội vã sợ bị phát hiện An đã dúi tàn thuốc chưa tắt hẳn vào một trong mấy bao ruột gòn bà nội cất chồng trong kho, chỗ ngồi phê nicotine êm ái. Xuýt nữa là đốt rụi cái nhà che mưa che gió cho mười mấy con người. Dại quá mà, chỉ nhờ may mắn và người lớn nhanh tay chữa hộ nên hậu quả chưa đến nỗi quá nghiêm trọng. Kết luận này là điều lần đầu tiên và duy nhất tất cả mọi người trong nhà đồng tình nhất trí với nhau.   

Tuổi thơ An rõ vành vạch mấy hôm đêm mất điện, mỗi lần vậy là nhà tối đen, đồ đạt như phình to ra và không gian co hẹp lại, đi ngã nào cũng vấp. Nhớ một ngày mưa rả rích và gió luồn. Xuất hiện hình ảnh ngọn đèn dầu hột vịt trên bàn bếp, thứ duy nhất cháy sáng lặp lè. Mẹ mọ mẫm tìm diêm quẹt châm mấy cây đèn dầu lớn. Con bé trong một giây bốc đồng thổi rõ mạnh vào ánh sáng nhập nhoạng đó. An đến giờ vừa nghĩ mình hiểu mà cũng không hiểu điều gì khiến con bé hành động như vậy. Học gần hết lớp hai rồi, con bé chắc chắn biết hậu quả của chuyện mình làm lúc ấy. Ăn đòn chắc, ai cũng bực bội vì mưa gió và mất điện. Tiếng đổ bể đồ đạc trong nhà hợp xướng lỗi nhịp và lạc tông với tiếng la ó chửi nhau. Thằng Dũng đạp phải mảnh chai từ cái chén con Mi làm rơi xuống sàn kêu inh ỏi. Cậu tám bảo tụi nó im ngay cho đứa bé con ba tuần tuổi của cậu ngủ. Rồi cô hai la toáng lên khi nhánh cây bị gió bẻ gãy va mạnh làm nứt kính cửa sổ phòng cô. Khung cảnh mù mờ và không gian ầm ĩ nặng nề đó khó chịu ngột ngạt đến không tả được. Chỉ sau khi nguồn sáng duy nhất bị thổi tắt, mọi thứ im bặt, màu đen toàn vẹn phủ kín không gian. Trong một khoảnh khắc, mọi thứ trở lại cái yên bình và sơ khai ban đầu, tất cả ngang bằng và giống hệt nhau. Một tíc tắc huyền diệu!

Cuối cùng là hình ảnh xa xưa tận thời mầm non, con bé hay chơi dại vốn đã chơi dại từ khi rất bé. An thấy mấy hạt chuỗi nhựa màu xanh ngọc bích, đẹp như mấy viên bi bị vạt hai đầu và xuyên thủng. Mấy hạt trang trí trên sợi dây buộc tóc nhỏ Tuyến làm rơi không thèm nhặt lại. Con bé cất công chà vào góc cửa đến cả trăm lần. Dây đứt mới lấy ra được mớ hạt lóng lánh này. Biết cất ở đâu bây giờ? Cho vào túi áo sẽ rơi mất. Bỏ trong chậu bí mật (ai cũng biết) cạnh góc cây nhỡ đứa nào lấy thì tức chết, mà nó muốn lấy ra ngắm chúng mỗi ba mươi giây thì sao nhỉ? Vừa lúc ấy cô Thu bảo đến giờ ngủ trưa rồi. Thôi, tốt nhất là cho vào.. mũi, nhét sâu chút để không ai thấy. Không ai thấy thật cho đến khi con bé xanh mặt báo với cô mấy hạt chuỗi nhựa chui tọt vào trong, không thở được và cũng không lôi ra được. Những hình ảnh kế tiếp lại nhập nhòe. An nhớ cảnh ông bác sĩ trẻ đeo kính gọng đen đưa túi nilon đựng mấy hạt chuỗi nhựa vừa hút ra từ đường hầm khoang mũi của con bé cho cô Thu. Ông có liếc An một cái ‘sao dại thế’ độ phần ba giây rồi chuyển sang cười cực đại đến sái cả hàm với cô giáo.

Không biết vô tình thế nào con đường kí ức trường kì lại đưa An qua những cánh đồng và những dòng suối nhỏ của vô vàn hình ảnh tuổi thơ, theo trình tự thời gian, nhỏ dần rồi nhỏ dần. Bắt đầu bằng một dại dột do mình làm với mình. An, chính An chứ không ai khác là người nói câu ‘con bé chơi dại’ sau vụ chiếu đèn laser. An đóng vai một người lớn xét đoán bé An vừa qua tuổi hai chữ số, bị cám dỗ của ma lực đèn laser chiếm hữu. Biết đâu ngày sẽ đẹp hơn và đêm sẽ nhấp nháy ánh sao, tất cả xấu đẹp màu sắc cuộc đời đi vào trong qua đôi mắt. Hay thử làm nó sáng tỏ hơn… Kết thúc là một cú làm đau chính cơ thể mình. Bé An hai tuổi rưỡi đã suy nghĩ và làm việc nghiêm túc cho tài sản của mình. Nó biết trân trọng và bảo vệ thành quả, chọn giải pháp táo bạo và ngẫu hứng. Chỉ là giải pháp ấy gây tổn hại lên cơ thể bé nhỏ. An ước chi mình có thể nắm bàn tay bé xíu đó, thật ấm áp An sẽ nói rằng: em đừng sợ, mình ghi nhớ bài học này. An sẽ dắt bàn tay ấy đi ngược trở lại, qua đoạn đường hầm tối của kí ức. An sẽ la lên lúc thấy khói thuốc sau đống bao ruột gòn, có thể có người nghe thấy mà dập lửa nếu không có vợ chồng cô sáu. Bọn An cũng sẽ gọi bạn hút thuốc, đi cùng nhau thôi, chỗ này trước khi hút đã nhàm, hút rồi cũng chả ngon bổ, sau đó còn thêm khói khét, chẳng có gì lưu luyến đâu. Lúc qua hết đoạn trời mưa gió là ngọn đèn dầu tắt phụt, An cũng vừa kịp kéo tay con bé nổi loạn, cùng đi nào em, không phải nghe những lời chì chiết nặng nề này. Đi thôi An! Chúng ta ra đến hiện tại, nơi không có ‘con bé dại dột’ và ‘đồ chơi dại’, không có ‘con tâm thần!’ hay ‘mày điên à?’ Nơi này có sai lầm và sửa chữa sai lầm, có rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, để làm tốt hơn từng ngày. Nơi mình sống thật với con người mình, quý mọi nỗ lực và giá trị của bản thân và của những người chung quanh. Chỉ như thế miền kí ức mới tiếp nối sẽ là con đường xanh mát đầy hoa, nơi sự sống bắt đầu từ bên trong.  

nguồn: duongtiemcan.com

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.