
Cô đơn
Tháp Maslow, hay còn gọi là Hệ thống phân cấp nhu cầu Maslow, được phát triển bởi nhà tâm lý học Abraham Maslow khởi điểm vào năm 1943. Đây là lý thuyết tâm lý xã hội dựa trên tiền đề một số nhu cầu có thể được ưu tiên hơn những nhu cầu khác vào những thời điểm khác nhau. Vượt qua từng tầng tháp tựa như hành trình đi lên những thang bậc dẫn đến hạnh phúc toàn vẹn.
Tầng thứ nhất là nhu cầu thể chất và sinh lý (physiological needs), những nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất như ăn uống ngủ nghỉ. Tầng hai là nhu cầu cần sự an toàn (safety needs). Cảm thấy an toàn, không có mối đe dọa tinh thần và cơ thể, có ảnh hưởng rất lớn đến mọi suy nghĩ và hành vi của mỗi người. Kế đến là nhu cầu xã hội (social needs), tầng thứ ba trong tháp Maslow, thể hiện qua mong muốn kết nối của chúng ta với những cá nhân khác. Đây là một nhu cầu tâm lý đã có sẵn từ lúc chào đời và luôn hiện diện mỗi ngày. Tuy nhiên có nhiều người trong chúng ta cảm thấy bất lực và khó khăn trong việc kết nối với những người chung quanh, tôi và bạn thuộc vào nhóm đó. Rất khác mà cũng rất giống, chúng tôi luôn cảm thấy cô đơn.
Cô đơn là trạng thái đau khổ hoặc dày vò tinh thần, xảy ra khi luôn có một khoảng ngăn cách giữa mong muốn kết nối xã hội của một người với trải nghiệm thực tế của họ khi thực hiện mong muốn đó.
(phỏng theo Psychology Today)
Bạn có những trúc trở gia đình. Bạn ngột ngạt trong cảm giác không ai hiểu mình. Bạn lao vào những đội nhóm và cố gắng kết bạn với thật nhiều người. Nào là thành viên đội điền kinh, gia nhập đội đá bóng, rồi làm bí thư đoàn. Những ngày miệt mài trong sân vận động làm sạm đen làn da vốn trắng tự nhiên, nhìn bạn chững chạc và mạnh mẽ. Rồi đến thiết kế trại hướng nghiệp và lên kế hoạch hoạt động hè cho cả khối. Vậy mà gần như mỗi tối đứng trò chuyện ngoài đầu ngõ bạn luôn than không ai hiểu bạn và những ngột ngạt bạn phải trải qua. Bận rộn không đủ lắp vào những giờ phút cô đơn. Nỗi buồn lúc ấy không chứa hết trong mắt bạn, long lanh. Đến một ngày tôi bạo dạn hỏi: Vậy nếu chúng ta trở nên hơn cả bạn bè thì sao?
Tôi nhớ rõ mình chưa bao giờ chuẩn bị câu hỏi lẫn câu trả lời. Liệu quen nhau chúng tôi có bớt buồn chăng? Tôi cũng là một kẻ cô đơn. Những bữa cơm chiều nặng nề, thức ăn ngon hay tệ đều như nhau. Chúng mất hết mùi vị trong những đối thoại gay gắt giữa bố mẹ: chuyện làm ăn, chuyện nhà cửa, chuyện chê trách sân si dòng họ. Tôi và thằng em nói ít đi và nghe nhiều hơn, đầy những thứ nhọc nhằn và mánh khóe của cuộc sống. Chúng dần thành đội quân âm thanh cứa chát mà tôi đã luyện mọi cách để chặn chúng xâm lấn vào đầu. Mẹ bỗng trở thành một người xa lạ và khó hiểu. Tôi lạc trong những giấc mộng về những con đường vòng vèo, đi mải miết không đến đích, trời sập tối mang theo tiếng động bất an. Tôi không còn cảm thấy bình yên và an toàn ở nơi tôi trú ngụ. Nó vốn là một nhu cầu cũng khá căng cơ, chỉ trên một tầng bậc so với đồ ăn và chỗ ngủ. Điều đó làm đứa tôi vốn đang trong độ tuổi nhạy cảm hoảng loạn và căng thẳng thường xuyên. Tôi nhốt mình trong phòng và ăn trên bàn học. Mặc kệ mọi người chung quanh.
Cô đơn trong tình yêu
Thế là chúng tôi thành một đôi, hai kẻ cô đơn, không bớt đi mà thêm vào, một đôi cô đơn. Từ ban đầu cảm giác bất an đã mơ hồ xuất hiện. Bạn đạt huy chương môn chạy 100 mét và cúp giải bóng đá cấp ba thành phố, được cả trường biết đến. Bạn cười nói to tiếng, hoạt náo tự tin hơn với nhiều “fan hâm mộ” vây quanh. Vậy mà mỗi lần có hai đứa vẫn chỉ là mớ hỗn loạn rối ren trong tâm trí, càng nói càng dày đặc. Những câu chuyện lập lại, kết bằng những tiếng thở dài. Cảm giác bất lực dần trở nên quen thuộc. Bạn vào nhà tôi chơi như một người vô hình. Ba mẹ vẫn đang khẩu chiến với đối tác làm ăn trong phòng khách. Cửa phòng mỏng và nhiều khe hở, nhưng nếu chúng tôi vừa la vừa đánh nhau cũng chả ai hay, huống gì là hôn nhau. Chắc em tôi biết mà chẳng nói gì. Nó mười lăm, hiểu nhiều chuyện như một gã ba mươi, nhưng hay trầm ngâm kiểu mấy ông già bạc đầu đánh cờ đầu xóm.
Hóa ra, mối tình giữa tôi và bạn thật sự không giúp ích cho cả hai trong cuộc sống. Sau những giây phút kết nối ngắn ngủi, chúng tôi vẫn cảm thấy một mình khi gần nhau, một mình trong giao tiếp lời nói và cơ thể. Có những cành cây vô hình, rậm dần mỗi ngày. Hay thực ra chúng đã luôn ở đó tự ban đầu. Bạn và tôi chẳng thể thấy nhau khi mỗi ngày chúng tôi chỉ nhắm tịt mắt, rụt dần tay và co rút cơ thể vào bên trong. Chúng tôi ở kề nhau mà thấy xa, bên cạnh mà như chia cách bởi cả một thung lũng và một cánh rừng.

Bạn thú nhận bạn chẳng thể hiểu nổi vấn đề của tôi. Ba tôi đâu có lập một gia đình riêng thứ hai, đâu thêm một vợ một con, khi vẫn đang có vợ và con đàng hoàng. Tôi cũng thú nhận tôi không thể làm gì để bạn cảm thấy được an ủi, nâng niu. Những chia sẻ không vơi đi phiền muộn. Niềm tin trong quan hệ bạn bè và hơn bạn bè giữa bạn và tôi lạc đi đâu mất. Chúng tôi chẳng tin cả bản thân mình. Thành công trong học hành, trong hoạt động thể thao hay ngoại khóa, được mọi người quý mến tán dương không đủ làm chúng tôi cảm nhận được sự hãnh diện và niềm vui trong cuộc sống. Đó là nhu cầu thứ tư của tháp Maslow mà cả bạn và tôi không thể cảm nhận, cảm thấy được nể trọng và quý mến (esteem needs). Mọi thứ mông lung như mấy giọt sương khẽ đọng trên mép lá rung rẩy. Tình cảm yêu đương đầu đời của tôi và bạn tắt phụt hệt mấy ngọn nến cháy lung lay trong cơn gió đột ngột mạnh dần lên, chóng vánh như chưa bắt đầu…
Mười mấy năm không giữ liên lạc. Chúng tôi lớn lên theo những ngã rẽ riêng. Tôi không có tin tức gì về bạn cho đến gần đây. Vô tình vài trao đổi với một người quen xưa dẫn đến câu chuyện của bạn: Bạn có một cuộc sống viên mãn. Có một gia đình nhỏ hạnh phúc, một công việc ổn định và thành đạt. Bạn còn đang chuẩn bị thành “ông bầu” cho một đội bóng đang lên ở giải bóng đá quốc gia. Đúng với niềm đam mê thể thao khi xưa, mà lại vững vàng tài chính, có chỗ đứng, cống hiến và ảnh hưởng xã hội. Có lẽ bạn đã lên đến tầng năm rồi đấy, gần đỉnh cao nhất của tháp Maslow, nhu cầu tự thể hiện và khẳng định được giá trị bản mình (self-actualization needs). Giống như Maslow nói điều ta có thể làm được, ta phải làm được, chúng ta có thể bộc lộ và thực hiện mọi sáng tạo, mọi tiềm năng mà vẫn thể hiện đúng chất con người mình.
Tôi tự hỏi không biết những va chạm và vỗ về nào trong cuộc đời đã giúp bạn tôi rèn sức mạnh tinh thần và chữa lành những vết thương nội tâm. Bản thân tôi cũng đang trên con đường ấy, đã hiểu sâu sắc và học được cách mở bung con người mình từ mọi góc mà thôi sợ hãi và bớt rụt rè.
Maslow cho ra đời đỉnh tháp thứ sáu một thời gian khá dài sau năm tầng tháp đầu tiên. Có thể hiểu nó như một sự toàn vẹn và là mục tiêu đích thực sau cùng. Đó cũng có thể là cái chúng ta sinh ra để trở thành, bắt đầu và kết thúc đều hướng về điều đó. Khi chúng ta có cái nhìn thấu suốt và trọn vẹn bản thân mình, chúng ta có thể bước ra khỏi bản thể cá nhân, nhận thức và hành xử như một phần trong sự sống vĩ đại của tất cả những thực thể khác tồn tại trên cõi đời gộp lại (transcendence). Tôi hay nghĩ về một ví dụ đơn giản là sự tha thứ và lòng vị tha.
Nếu một ngày nào đó chạm mặt nhau, tôi muốn mỉm cười chúc mừng bạn, chúc mừng cả tôi. Tôi muốn nghe bạn kể những điều đã qua, những thử thách mà bạn từng nếm trải. Và tôi muốn nói tôi đã hiểu bạn và hiểu tôi ngày xưa hơn, cũng đã thông cảm cho hai kẻ ấy. Chúng ta đã bắt đầu đúng bạn nhỉ: chia tay mối tình đầu năm mười bảy, chia tay sự cô đơn? Để một chặng đường dài sau đó chúng ta nỗ lực và vượt qua bao thử thách, học bài học từ những người xa lạ và thân thuộc. Hiểu được rằng cuộc đời không bao giờ chỉ để chúng ta yên ổn, dừng chân ở một tầng bậc đã đạt tới. Mỗi người luôn đi qua những chuỗi có được và mất đi, thiếu thốn và khao khát. Chúng ta thực hành và rèn luyện kỹ năng trèo lên từng tầng tháp cao hơn, sau mỗi lần tuột tay rơi xuống và gượng mình đứng dậy, mà không từ bỏ. Mong rằng bạn cũng giống như tôi, trầy trật và quyết tâm không ngừng, tiếp bước hành trình lên đỉnh tầng thứ sáu, mục tiêu cốt lõi đầu tiên và cũng là đích đến sau cùng của hạnh phúc và an lạc thật thụ trong cuộc đời chúng ta.
*****
Nguồn tư liệu tham khảo: Abraham Maslow’s Motivation and Personality, website positive psychology, tạp chí psychology today, và vài tài liệu tâm lý xã hội khác.