
–Cưng này, cưng biết tiến sĩ Robert Sternberg không?
–Hình như ông là một nhà tâm lý, hay một nhà triết học thì phải.
–Ơ, giỏi thế. Ông là nhà nghiên cứu tâm lý học nhận thức và phát triển con người. Cưng còn biết gì về ông ấy nữa?
–Chỉ biết ông ấy người Mỹ và còn sống. Hết biết gì nữa rồi.
–Em không biết tiến sĩ Sternberg cho đến hôm nay. Mà mới học về một lý thuyết của ông thôi: Thuyết tam giác tình yêu (Triangular theory of love).
–Nghe như tam giác mạch nhỉ, trêu em tí thôi, thế lý thuyết đó nói gì?
–Lý thuyết này cho rằng tình yêu có thể được hiểu theo ba thành phần, xem như là ba đỉnh của một tam giác. Hình tam giác được sử dụng như một phép ẩn dụ chứ không phải là một mô hình trong khái niệm hình học. Ba thành phần này là sự thân mật (intimacy), niềm đam mê (passion) và sự cam kết/quyết định (commitment). Mỗi thành phần thể hiện một khía cạnh khác nhau của tình yêu.
–Thú vị đấy!
–Khái niệm tình yêu ở đây khá mở, nó là tình cảm giữa một người với một người.
Sự thân mật đề cập đến cảm giác gần gũi, kết nối và gắn bó trong các mối quan hệ. Một cách căn bản nhất, nó bao hàm những cảm xúc làm nảy sinh trải nghiệm về sự ấm áp trong một mối quan hệ. Nhưng nếu giữa hai người chỉ có sự thân mật thì đó đơn thuần là thích thôi.
Ví dụ em trai em có một người bạn viết, chưa từng gặp nhau, nhưng chia sẻ nhiều thứ khá “riêng tư”. Nếu cả hai tiếp tục nói chuyện trao đổi những điều kín đáo và thân mật. Mỗi ngày càng nhận ra người kia hiểu và chia sẻ được ngược lại với mình, mối quan hệ đó có thể phát triển đến đỉnh thứ hai của tam giác là sự quyết định/cam kết.
–Vậy là thành người yêu luôn.
–Chưa hẳn đâu. Nếu có sự thân mật và quyết định/cam kết trong tình cảm là tình cảm mến thương, đồng hành (companionate love). Họ có thể trở thành những người bạn tâm giao. Chia sẻ và sẵn lòng ở cạnh nhau những lúc khó khăn.
–À, cũng có lý.
–Quyết định/cam kết có thể hiểu đơn giản là trong khoảng thời gian đầu ta quyết định ta yêu một người, và về lâu dài, ta cam kết duy trì tình yêu đó. Điều này mới hay nè: nếu trong mối quan hệ tình cảm chỉ có quyết định/sự cam kết thì đó là tình yêu rỗng (empty love).
–Giống như chuyện mấy người bị ép gả ngày xưa đúng không?
–Chính xác. Khi có sự cam kết cộng thêm đam mê nồng nhiệt thì xuất hiện thứ gọi là tình yêu mãnh liệt (fatuous love). Niềm đam mê là góc còn lại của hình tam giác. Đam mê dẫn đến sự lãng mạn, hấp dẫn về thể xác, thỏa mãn tình dục và các biểu hiện liên quan trong mối quan hệ yêu đương.
–Chà, đến đoạn hấp dẫn rồi nè. Nhưng nếu chỉ có niềm đam mê thôi thì sao?
–Đó là sự say mê cuồng si (infatuation). Như mê mệt một thần tượng và muốn có “mối quan hệ” với người đó. Khái niệm kế tiếp trong lý thuyết tam giác tình yêu là tình yêu lãng mạn (romantic love).
–Cuối cùng cũng đến định nghĩa quen thuộc giữa hai người yêu nhau đây.
–Theo Sternberg giải thích thì sự thân mật và niềm đam mê là hai yếu tố cần thiết cho tình yêu lãng mạn. Ta phải cảm thấy gần gũi với người đó (tức là sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân mà mình sẽ không chia sẻ với người khác) và đồng thời cũng cảm thấy một sự hấp dẫn về thể xác hoặc ham muốn đối với người đó.
–Ah, vậy tình yêu lý tưởng chắc phải có cả ba đúng không?
–Theo lý thuyết này thì câu hỏi vừa rồi chính là một kết luận hợp lý. Cần có sự kết hợp của cả ba góc tam giác.
Bên cạnh đó, hình dạng của “tam giác tình yêu” còn phụ thuộc vào hai yếu tố. Một là yêu nhiều đến mức nào và hai là mức độ cân bằng giữa 3 thể loại tình yêu ở trên. Đơn giản là thế này: Tình yêu càng lớn, diện tích của tam giác càng lớn. Trong khi đó sự khác biệt mức độ của 3 thành phần được thể hiện qua các hình dạng tam giác khác nhau.
Một tình yêu cân bằng có 3 thành phần xấp xỉ ngang nhau, biểu thị bằng một tam giác đều. Chúng ta thường gọi đó là tình yêu hoàn hảo (consummate love). Tình yêu hoàn hảo được tạo ra khi hai người chia sẻ cả sự thân mật, niềm đam mê và có sự cam kết gắn bó với nhau. Nhiều người coi đó là mục tiêu cuối cùng của các mối quan hệ và là một trong những đỉnh cao của tình yêu giữa người với người.
–Hừm, nhưng trên thực tế có người thích tam giác vuông hay tam giác cân chứ, hay thậm chí rất nhọn một góc nào đó nữa.
–Em khá đồng tình với ý kiến đó. Vì thế em vẫn muốn tìm hiểu thêm về lý thuyết này và các lý thuyết tình yêu khác. Có thể em sẽ phát hiện thêm nhiều góc nhìn thú vị nữa.
–Đúng là còn vài điểm chưa thực tế ở đây. Con người là những cá thể phức tạp, có điểm tương đồng nhưng cũng vô cùng khác nhau. Chỉ trên khía cạnh căn bản về văn hóa và nơi chốn thôi đã khác vô cùng rồi. Chưa kể đến khác biệt từ tính cách cá nhân và cách nhìn cuộc sống của mỗi người.
–Có câu “chín người mười ý” mà. Một điểm thú vị em vừa nhận ra là tính nhân văn trong lý thuyết này, các góc cạnh luôn tương tác với nhau, và phát triển mọi hướng có to có nhỏ. Thế là luôn có một hình tam giác dù hình dạng thẳng thớm hay vênh vẹo thế nào.
–Nếu mình có thể biến nó thành hình khối tam giác, như thế sẽ thêm được một góc nữa là sự tôn trọng. Tình cảm con người dù dưới bất kì tên gọi hay thể loại gì cũng nên có sự tôn trọng lẫn nhau.
–Ý hay, em cũng nghĩ vậy. Mà sao khối tam giác của cưng cân đối thế nhỉ?
–Vẽ nhanh trên máy tính nên ra thế. Nếu vẽ tay thì chắc hơi méo hơn. Em nghĩ xem, tình yêu đích thực hoàn hảo mấy cũng khó rõ đều các góc cạnh.
Mà cách em truyền đạt kiến thức tâm lý về tình yêu rất bài bản lại vô cùng dễ hiểu đó. Cám ơn em nhé!
–Em rất vui chia sẻ những khái niệm thú vị này. Chỉ là một lý thuyết thôi, nhưng cũng có cơ sở để mình suy ngẫm. Vậy cám ơn em bằng hành động đi… kể chuyện các loại tình yêu cưng đã trải qua em nghe với.
-Ừm ừm, để khi khác nhé, giờ khuya rồi, đi ngủ thôi.
Tài liệu tham khảo: Lý Thuyết tam giác tình yêu của Robert Sternberg http://www.robertjsternberg.com/love và các tài liệu tâm lý học khác.