Bài tập vẽ quả cầu tương lai và sử dụng câu hỏi tưởng tượng

PAST – PRESENT or FUTURE

Đây là hoạt động thứ 6 & 7 trong chuỗi hoạt động 1 năm – 100 hoạt động SÁNG TẠO – NGHỆ THUẬT – CHỮA LÀNH. Nếu đây là lần đầu tiên cậu xem bài viết này, cậu có thể xem giới thiệu về chuỗi hoạt động cùng ý nghĩa của chúng ở đây: https://duongtiemcan.com/2020/06/04/1-nam-100-hoat-dong-sang-tao-nghe-thuat-chua-lanh/

Chúng ta được ấp ẵm từ những câu hỏi khi mới còn là tế bào đơn thể trên thế giới này. Khi mang thai ta, mẹ ta hỏi, không biết con mình sinh ra sẽ như thế nào? Với những người làm mẹ lần đầu, những sự việc trước mắt là không đoán định trước. Ta cũng giống mẹ, không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao, ai là người chăm sóc mình, thế giới có chào đón mình hay không. Nằm môi trường lửng lơ biển nước, ta tưởng tượng thế giới với đầy đủ niềm xúc cảm hoang mang, rộng rãi và tò mò.

Liệu có khi nào thế giới ta hằng mong ban đầu khiến ta mệt mỏi với thực tế tiến triển. Liệu ta có mỏi mệt mà dừng chân khám phá vì vướng bận những tranh cãi về bản chất con người, các mối quan hệ, nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ xích lại rồi ra xa. Một vòng luần quẩn ấy liệu ta có thể tạm ngưng với 1 câu hỏi diệu kỳ với hi vọng rằng sự mơ mộng trong chúng mang lại ít nhiều năng lượng cho thân tâm này, mời mọc các kì vọng và áp lực tạm lui về phía hành lang?

Trong một cuốn sách nói về Art therapy, có một đoạn đọc lên đã chạm tới sự khó ở của mình với những câu hỏi. Một khoảnh khắc mà nhà trị liệu và thân chủ 16 tuổi đang ngồi trước mặt nhau, hai người cùng nhìn vào một hình vẽ đầy hoa và các hình xoáy sặc sỡ cô gái vẽ. Cô nói, cô chỉ muốn được cảm thấy hạnh phúc. Ngay sau đó, nhà trị liệu đặt 1 câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta biết rằng cháu cảm thấy hạnh phúc?”. Cô gái thể hiện nét mặt ngỡ ngàng pha kì lạ. Cô không trả lời và nhà trị liệu cũng không đổi sang câu hỏi khác, bà tiếp tục khẳng định lại: “Ồ, không, thật đấy, làm thế nào để cô biết được rằng cháu cảm thấy hạnh phúc?”.

Lần này bản thân mình cũng thể hiện một sự ngạc nhiên. Ban đầu là kì quặc khi đặt bản thân vào vị trí cô gái nhỏ. Suy nghĩ đầu tiên trong đầu mình là: “Ai đời lại hỏi mình câu hỏi đó!” Trong phút chốc, mình mặc nhiên nghĩ rằng người ta phải biết câu trả lời trước khi đặt câu hỏi. Dễ mà, họ sẽ biết thông qua gương mặt mình có rạng rỡ không, qua cách mình kể chuyện có liến thoắng và nụ cười thật tươi rói.

Nhưng thật sự họ có thể biết không?

Sau khi được nhắc lại câu hỏi một lần nữa, có cái gì đó trong tim mình nói rằng đây thực sự là câu hỏi nghiêm túc. Không phải chỉ hiểu người đang hỏi quan tâm tới mình thật hay không mà là để thật sự hiểu được rằng, mình đã hiểu bản thân mình đến đâu. Mình đã có để ý tới sự bộc lộ trong con người mình hay không. Và mình thật sự cảm thấy niềm hạnh phúc như thế nào.

Làm thế nào để tôi biết được rằng bạn thấy hạnh phúc? Cũng giống như câu hỏi “làm thế nào để mình biết được rằng chính mình đang cảm thấy hạnh phúc?”

Đây mới chỉ là câu hỏi mở đầu thôi.

Trong phiên trị liệu, cô gái bắt đầu liệt kê 1 danh sách những việc rõ ràng mà cô cảm thấy khi được thực hiện nó, những niềm vui nho nhỏ sẽ xuất phát từ đấy. Nó có thể là khóc ít hơn, được đi trung tâm mua sắm với bạn bè hay chơi lại bóng chuyền. Đọc những dòng ấy, tâm trí mình cũng bắt đầu điểm lại những thứ gì tạo nên sự hạnh phúc cho chính mình.

Trong trị liệu nghệ thuật(art therapy) có 2 bài tập có thể giúp mọi người 1 lần nữa nhìn nhận lại, tìm kiếm và khẳng định những điều khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc một cách dễ dàng hơn. Và nếu như cậu cũng là 1 trong số những người băn khoăn về việc xác nhận những điều hạnh phúc cho bản thân, những dòng phía dưới có thể dành cho cậu.

Câu hỏi diệu kỳ

Một khó khăn mình nhận ra trong quá trình điểm lại và suy nghĩ, rằng: trong trạng thái buồn bã, chán nản hay mơ hồ, mình nghĩ lại rất nhiều thời điểm gọi là điểm đen trong quá khứ. Những cảm giác bị bỏ rơi, những lời nói hăm dọa, những trường hợp lo lắng về một ngày kia không thành sự thật khiến mình mắc kẹt lại trong một mớ bòng bong kí ức. Tại đó, bản thân mình không thể cảm nhận được niềm hạnh phúc đã từng nảy nở thế nào trong mình.

Trong những lúc khó khăn cảm nhận niềm hạnh phúc của bản thân hiện tại cũng như khó tìm kiếm những trải nghiệm đem tới sự thư giãn. Đặt sự nghĩ suy về một tương lai đầy đủ sang một bên hay những trăn trở về những điều đã làm mà dừng lại, hít thở vài nhịp. Để tâm trí rộng mở và đôi tai lắng nghe 1 câu hỏi diệu kì:

“Nếu như nàng tiên trao cho cậu một phép thuật diệu kì, có thể quét đi tất cả mọi vấn đề, niềm buồn khổ và lo lắng, cuộc sống của cậu sẽ trông như thế nào?”

Nhắm mắt và tưởng tượng những điều đó một cách tự do. Không phán xét và kiểm duyệt bất kể điều gì. Để chúng trôi chảy tới tâm trí cậu.

Tiên đoán tương lai qua quả cầu thủy tinh

Bài tập vẽ một quả cầu thủy tinh là chứa trong đó hình ảnh của đời sống mà chúng ta muốn, bắt đầu thử nghĩ tới những ước muốn trong hiện tại, những niềm vui thích song hành và tưởng tượng một tương lai nơi mọi thứ được bộc lộ như nó là.

Điều này nghe có vẻ dễ tiếp nối phải không? Nếu như cậu đã thực hành được bước trên, về câu hỏi diệu kỳ, cậu có thể áp dụng nhanh chóng cho việc tiên đoán quả cầu thủy tinh tương lai thành một bức vẽ thực thụ.

Thử đi nào, mình biết cậu có thể làm được. Trong cậu có nguồn sức mạnh lớn lao đấy!

Đối với cô gái 16, sau khi nghĩ về câu hỏi, cô ấy có vẻ biết khá rõ một ngày “hạnh phúc” của cô là như thế nào. Đối với mình, sau khi ngồi ngẫm nghĩ và tưởng tượng về những hình ảnh mà câu hỏi diệu kỳ gợi đến, việc bắt tay vẽ quả cầu thủy tinh với những điều mong ước trở nên dễ dàng hơn. Thật là kì lạ khi những gì được vẽ lại là những điều trước đó đã xuất hiện khá nhiều lần trong đầu mình ở quá khứ. Phần nào đó, mình biết những bước đi cần thiết tới con đường ấy nhưng không sao dám thừa nhận. Phần nào đó, mình sợ mình không làm được, sợ mình thất bại hay sẽ không tài nào biến những cơ hội đó thành hiện thực. Phần nào, mình suy nghĩ nếu mình chấp nhận những ý nghĩ, những mơ ước “viển vông” ấy, mình phải đối diện với bản thân có cơ hội thất bại trong tay. Điều đấy thật rủi ro. Và đồng nghĩa với điều ấy là, trước khi có được hạnh phúc, mình đã bất lực với chính khả năng của mình.

Vẽ quả cầu thủy tinh giúp mình nhận ra những mơ ước bị dồn nén từ lâu và chấp nhận mình cần nhiều hơn sự dũng cảm thay vì lo âu để cảm nhận hạnh phúc. Và câu hỏi diệu kì khơi gợi lại những khả năng mình có thể có được trong cuộc sống.

“Lo âu không thay đổi tương lai, tiếc nuối không cứu rỗi được quá khứ”. Khi chăm chăm vào một tương lai quá hoàn mỹ, chính chúng ta lại tạo áp lực cho việc lo lắng đủ điều. Bản thân nếu đã sống trong tương lai quá nhiều thì không có cơ hội để thừa nhận hiện tại. Và nếu để hiện tại ngập trong những lo âu, tương lai lại dễ dàng bị che mờ.

Dành cho bất cứ ai đang trăn trở về những điều mơ ước nhưng chưa thành hiện thực; những lo lắng giúp chúng ta lên bước kế hoạch chi tiết và phòng bị cho các trường hợp xấu xảy ra. Chúng giúp chúng ta tin rằng những điều ấy sẽ làm kế hoạch tương lai của mình trở nên trơn tru hơn; nhưng cuộc đời luôn có những điều bất ngờ xếp sẵn cho chúng ta. Những sự hỗ trợ luôn có ở đâu đó quanh mình, khi một người đau khổ, họ gặp người đau khổ khác để giúp cảm thông với nỗi đau. Khi một người đau khổ, họ gặp một người hạnh phúc khác để được nâng đỡ và khơi dậy lại niềm khao khát. Tùy vào việc chúng ta nghĩ như thế nào và đặt tên trải nghiệm của chúng ta ra sao. Điều kì diệu có thể đến bất cứ lúc nào và chúng ta có thể tự tạo ra cho mình. Một chút mơ mộng và tin tưởng vào một tương lai khác, để chấp nhận những mơ ước và cảm nhận sự hạnh phúc khi thừa nhận nó.

Với chỉ 1 bước đầu, thành thật với trái tim mình và dũng cảm bộc lộ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.