
Đã tròn 2 tuần kể từ ngày tham gia buổi biểu diễn – diễn thuyết thành phố này rạng rỡ những đốm sáng. Có thể câu chuyện không được quá toàn vẹn, nhưng một số hình ảnh vẫn còn lưu lại trong tôi đến tận bây giờ. Chúng đầy những xúc cảm nguyên trinh như một người ngắm đóa quỳnh nở duy nhất tại một đêm trăng.
Được giới thiệu rằng đây là một thử nghiệm của nhóm Mắt Trần – Ensemble, thuộc chuỗi sự kiện Một Hà Nội Đáng Sống, hình thức biểu đạt của sự kiện này gây đáng chú ý khi kết hợp táo bạo việc diễn thuyết (lecture) và biểu diễn (performance), người xem sẽ không biết trước mình xem cái gì, nghe như thế nào và ở quanh mình có gì chạm vào. Những lời giải thích cũng chả mấy gợi ý khi đọc 4 dòng thơ đầu tờ giấy giới thiệu
“…Nhìn thấy cả thế giới qua một hạt cát
Và thiên đường qua một bông hoa dại,
Cảm nhận vô tận trong một lòng bàn tay
Và vĩnh hằng trong một giờ đồng hồ….”
” To see the world in a grain of sand
And a heaven in a wild flower
Hold infinity in the palm of your hand
And eternity in an hour…”
Điểm chung là một giờ đồng hồ, với đủ các khung chạm. Kể, ngắm, chuyển động, màu sắc: đen – sáng – cầu vồng cùng các khối hình, bạn rối và âm sắc.
Tôi khó mà có tài tốt đẹp để tái hiện rõ ràng nên bạn có thể luồn phía sau tôi một lát, như tôi là một con rối; nhìn thế giới qua đôi kiếng của tôi, thở qua chiếc mũi tẹt và lắng nghe nhịp tim lên xuống với hơi thở lúc thì dữ dội và dịu êm. Bạn nhìn thấy một không gian xung quanh với màu đen hơi trong vắt, có những tia đèn từ chiếc máy chiếu hiện lên, xuyên qua màn tối hiện lên làn bụi mỏng. Hai đôi cánh tay xuất hiện với hình dạng của một bạn rối, bạn đi ngủ, bạn chạy, bạn làm đủ trò trong giấc mơ; kèm theo giọng kể chuyện của bạn, là người nghệ sĩ Linh Valerie Phạm, lúc băn khoăn, mờ tỏ những điều mình không tường. Dòng chảy kể chuyện từ lúc những ý tưởng còn thai nghén, những suy nghĩ còn chưa được lục tới những cuộc gặp gỡ ít ỏi giữa người điều khiển rối – diễn giả.






Ảnh từ nhóm Mắt trần Ensemble + chụp cá nhân
Trong tôi hiện lên những sự tò mò hối thúc, như tri giác của một đứa trẻ, tôi để ý tới tất cả thứ gì trước mặt, đang chuyển động và có vẻ thú vị. Và dĩ nhiên rồi, việc rời mắt khỏi con rối là điều bất khả, con rối kể về việc cân bằng nội môi trong con người, nói về tính chữa lành có sẵn trong mỗi cá thể, và nỗi bấp bênh cứ lớn dần để không tài nào ngó lơ được. Già trẻ, trai gái, giàu nghèo và con người thì hoạt động tất cả chỉ nhằm vơi bớt cảm giác bấp bênh.
Có vài hình khối được sắp đặt ở giữa, mỗi lần con rối quay một vòng, chúng ta được nhìn thấy góc máy được sắp đặt dựa theo góc nhìn của rối hiển lên màn ảnh. Sau này, theo diễn biến buổi diễn thuyết, tôi hiểu rằng cứ mỗi lần con rối lật, đập phá, hất đổ thì một mảnh đời nhân vật lại lên sàn. Những trăn trở chưa ai biết mặt gọi tên, kể cả nội bộ các diễn giả. Câu chuyện được rõ dần bằng giọng nói mờ ẩn trong bóng tối.
Lần lượt là một chuyên gia kinh tế, một chàng Sen, và một người mẹ. Họ bật theo thứ tự chiếc đèn gần họ được chiếu sáng.



Ảnh nguồn nhóm Mắt trần – Ensemble
Người lớn tuổi nhất, được biết đến nhiều hơn với tư cách một chuyên gia kinh tế đáng kính cất tiếng về những suy nghĩ khởi phát tại lúc ấy. Việc thiền tập, ánh sáng xanh trên bầu trời dãy Himalaya và tiếng lòng thu ra cuộn lại vì muốn nói với mẹ một chuyện kết nối trực tiếp tới mình mà không đạt được. Anh lần lữa, chậm rãi rồi hối hả hỏi lòng để lại một cảm giác băn khoăn lớn. Sau đó, có người trong số khán giả nói rằng anh ấy cũng có một trải nghiệm tương tự, những câu chuyện khó nói với mẹ, những khúc mắc và lời ngỏ chưa thành tiếng. Dù rằng anh ta cũng đã phải ngoài tứ tuần, sự bối rối trong việc bày tỏ có khác biệt lắm với một người trẻ tuổi hoang mang bây giờ đâu! Trái tim tôi đập rộn khi nhớ về những câu chuyện, tình thương của người con dành cho mẹ không nói thành lời, lời nguyện ước người mẹ dành cả đời cho con và những mối quan hệ chưa được hóa giải. Âm thanh cứ mượt mà và không gian thì đen tối, trái phải tôi còn 2 người khác nhưng tôi có cảm giác cả căn phòng chỉ lặng yên trải nghiệm của một người. Và những suy nghĩ cứ vang vọng trong không gian.
Câu chuyện thứ 2 là câu chuyện tôi mang dấu nhớ nhất, về một người mong chờ thành “bố” trong tương lai. Khi anh ta còn nhỏ, tới khi đến tận bây giờ, nguyện ước ấy cứ đóng dấu và định hình con đường anh đi mỗi ngày. Nhưng với những trải nghiệm tăng dần, sự mong cầu ấy bị cách ngăn bởi một bờ vô hình, không phải anh nhụt chí với những sự thúc giục của 2 gia đình nội – ngoại, cũng không phải anh chưa chuẩn bị tâm lý cho bản thân. Chỉ là, chuẩn bị bao nhiêu cũng không đủ, sự lo ngại và trăn trở khiến những ước muốn vẹn nguyên trở thành hành trình chả biết đến bao giờ thành. Tôi đã suýt bật khóc khi nghe câu nói, “Càng yêu nên mới càng phải dừng lại”. Đối với trường hợp tôi đã từng trải, câu nói ấy gợi lại trạng thái đau nhức. Tiếng thở nghẹn lại trong không trung và thổn thức nhịp tim khi tôi nhớ về một khung cảnh. Ngày ấy, tôi khóc hàng ngày, mỗi ngày thức dậy và nhiều khi nghĩ về. Nước mắt tôi tuôn dài khi mở vòi rửa bát, tôi không nhận ra mình đang khóc cho đến khi nước mũi sụt sịt. Và trên con đường đi làm, tôi tưởng tượng mình trả lời những câu hỏi về việc dừng lại của những người quen biết tôi.
Nó sẽ mãi là không đủ, dù tôi chưa từng hối tiếc; tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại điều ấy. Tôi cứ như đang trì hoãn để chờ đợi và tìm tòi thêm một điều gì đấy nữa. Chờ một thời điểm để quay trở lại sống rực rỡ hơn chăng? Hay sợ điều mình sẽ làm là sai lầm? Cảm nhận những điều cố gắng vẫn là hạt cát bỏ biển? Hay cảm nhận thấy có điều cần chuộc lại để tạo một điều gì đấy hoàn mỹ?
Ngày ấy tôi đưa quyết định tạm ngừng con đường kết nối với người khác, và trải nghiệm tâm lý học. Để nói ra một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng, tôi phải trải qua nhiều bão tố. Bão tố của việc yêu và từ chối tình yêu.
Câu chuyện thứ ba được bắt đầu bằng những tiếng gọi, người diễn giả chưa xuất hiện nhưng câu gọi trẻ con “ơi, à” cứ vang vọng. Mọi người xung quanh ngáo ngơ tìm kiếm nguồn cung cấp giọng nói ấy. Nó phát ra từ máy loa thanh? Hay là bản ghi sẵn nhỉ? Người diễn giả đang trốn ở đâu? Cho tới khi khán giả đủ kiên nhẫn ngồi yên lặng mà không cựa quậy nữa, một chiếc bóng với mái tóc xoăn dài xuất hiện, cô đi vào giữa không gian, xung quanh những chiếc hộp lấp lánh vừa bị hất đẩy trên nền bởi bạn rối. Bạn rối “Mộng mơ” dẫn dắt những gửi gắm mơ màng đầy hiện thực của một người phụ nữ mới trở thành mẹ. Thầm nghĩ, nếu đứa trẻ nghe lá thư tâm sự thì khó lòng hiểu nổi phần cuộc đời mẹ muốn kể cho mình. Thế mà, khán giả nghe tấm tắc vào lòng hết.
Mẹ phải chứng kiến những cái chết từ khi còn trẻ, cái chết tức tưởi của ông, khoảng thời gian cay đắng với những suy nghĩ lởn vởn không nói thành lời chỉ dám quỳ lạy khóc lóc trên sân thượng. Những u uất mà mẹ từng nghĩ đã tử tự, những đối diện tưởng như quất ngã một người phụ nữ nhiều sương gió. Dưới cái ánh điện mờ mờ, nhạc âm reo rắt và tiếng khóc lần đầu được trải lòng. Tôi nhìn vào mắt cô, và thấy một ngọn lửa lớn ẩn sau cái thần ấy. Xa xa, cửa sổ lóe lên những tia chớp và tiếng sấm như báo hiệu một cơn giông sắp đến. “Trời có thể mưa, ngay lúc này” _ tôi đã nghĩ vậy. Một cơn bão tố trong lòng cuốn đi tất cả rồi cuối cùng để lại làn hơi mát lạnh của mưa rơi và cây cối yên bình với nền đất hạ nhiệt.
Tôi kể như thế này, các bạn hiểu được chứ? Những dòng này tôi viết vào ban đêm, cũng giống khung cảnh ở tối hôm ấy. Như tôi đã kể với các bạn, chả tài nào tôi vẽ lên nổi cái điều kì diệu đã diễn ra trọn vẹn. Đối với tôi, nó đẹp như một trải nghiệm nghệ thuật táo bạo, nhưng lại mang sức mạnh tôi ao ước được tìm thấy: sự kết nối. Giữa con người và con người. Với những câu chuyện lạ đời và bóng tối được hiện lên trên ánh đèn sáng. Rồi vụt tắt để trở lại với màn đêm. Khán giả như hiểu được mình vừa mới bước ra một giấc mơ ở chính trong hiện thực. Những đốm sáng ở thành phố này, thay nhau bật và lụi, tạo thành những mảng màu huyền ảo và linh hồn chạy dài trong dòng sống của thành phố. Có lẽ, phần nào mà nhiều khán giả có phản hồi rằng, buổi này thật có tinh thần của “therapy” và sức mạnh trị liệu đã lan tới khắp khán phòng. Ai cũng nhặt được một mẩu gì đó cho riêng mình và có vài người còn muốn nói ra như trong buổi biểu diễn – diễn thuyết. Tôi nghĩ đó là những khía cạnh thật vui, và cũng không quên cảm ơn góc nhìn của những người nghệ sĩ chuyên nghiệp nhắc nhở về ý niệm chú tâm của người thực hành nghệ thuật. Thực hành nghệ thuật đòi hỏi sự chuyên tâm, nghiêm khắc nhưng cũng tự do và sáng tạo; có ý thức về những điều mình làm và cũng mở sự trải nghiệm cho phổ khán giả rộng lớn từ chuyên, bán chuyên và không chuyên.
Ôi chào, tôi đã nhặt được cả giỏ đầy những con cá có vảy sáng bóng. Tôi lại thả vào chiếc bình cuộc đời, để chúng được tự chủ bơi lội và kết nối với nhau. Và biết đâu, một ngày nào đấy, khi chúng được bơi ra biển lớn, cá của bạn và của tôi lại gặp nhau.
“THÀNH PHỐ NÀY RẠNG RỠ NHỮNG ĐỐM SÁNG”