
Đây là hoạt động thứ 4 & 5 trong chuỗi hoạt động 1 năm – 100 hoạt động SÁNG TẠO – NGHỆ THUẬT – CHỮA LÀNH. Nếu đây là lần đầu tiên cậu xem bài viết này, cậu có thể xem giới thiệu về chuỗi hoạt động cùng ý nghĩa của chúng ở đây: https://duongtiemcan.com/2020/06/04/1-nam-100-hoat-dong-sang-tao-nghe-thuat-chua-lanh/
Một sáng, tớ không biết làm gì khi nhìn đống màu, bút vẽ cắm trong lọ và xếp giấy đang chờ sẵn thì vô tình biết tới thử thách “ #mydoodlesofwisdom art challenge”_ một kiểu thử thách vẽ nguệch ngoạch, tự do mà không suy nghĩ. Người nghĩ ra ý tưởng này là Shivani, một nghệ sĩ mong mỏi truyền cảm hứng sáng tạo cho mọi người và quan tâm tới việc chăm sóc trạng thái tinh thần, sự lành mạnh trong tâm hồn thông qua “nghệ thuật của trái tim”. (Nếu cậu muốn theo dõi, insragram của nghệ sĩ này ở đây: @doodlesofwisdom )
Các bước để chinh phục thử thách này và tạo ra “Nghệ thuật của trái tim” như sau:

- Vẽ 9 ô trống
- Tạo một hình vẽ gì đó, vẽ một cách tự do trong mỗi ô trống điều mà bạn cảm thấy có gắn kết mật thiết với (nó có thể là các biểu tượng, kí tự, vật thể, trích dẫn, từ ngữ, hình ảnh,…..)
- Đăng bức tranh của bạn lên trang cá nhân (không phải mục story), copy/paste những chỉ dẫn này, tag 8 người bạn mà bạn muốn mời tham gia thử thách, thêm tag @doodlesofwisdom (trên instagram hoặc facebook) và gắn hastag #mydoodlesofwisdom
Đó là những hướng dẫn rất cơ bản để tạo nên một “trái tim cá nhân” trên giấy qua thử thách. Vì nó khá dễ và sáng tạo, nên tớ cũng đã rất tò mò muốn thử. Tớ bày đủ các loại màu ra phía trước mặt, kẻ 9 ô trống đều đặn và cầm bút. Và tớ không biết phải làm gì sau đó. Pha não bộ tạm đình trệ và tớ tự hỏi làm thế nào để biết thứ gì gắn kết với mình?
Có vẻ tớ đã nghĩ rằng mình hiểu rõ bản thân mình hơn hết, cho đến khi ngồi trước mặt 9 ô trống, tớ cảm thấy cần phải được cân nhắc một chút khi đưa ra một thứ gì đó gắn kết với bản thân mình. Dù rằng sự gợi nhắc bản thân đến với nghệ thuật luôn bằng một chiếc đầu rỗng.
Nếu cậu không biết, tớ không phải một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, tớ chỉ là một kẻ yêu mến nghệ thuật và muốn tìm tòi bản thân trong đó. Và tớ đã gặp khó khăn trong việc bắt đầu, có thể vì nỗi sợ hãi mình sẽ không làm đúng. Mà làm đúng cái gì đi chứ khi đây là một bài tập gắn kết bản thân mình! Có thể tớ đã kì vọng tạo nên một tác phẩm hoành tráng. Mà lớn lao gì đi chứ khi thứ tớ cần là thể hiện được con người mình!
Cậu thấy đấy. Đối thoại để bộc lộ ra điều mình trung thực là phần khó nhất! Hơn nữa, lại còn bằng việc thực hiện một điều gì đấy. Nhưng mà này, tớ nghĩ ai cũng sẽ trải qua điều ấy thôi. Và rằng những nghệ sĩ, dù to hay bé, cũng có nỗi sợ hãi như thế!

Photo by Brett Sayles on Pexels.com
Quay lại với việc 9 ô trống, vào lúc trí óc tớ mơ hồ và cắn nhẩm mình phải thực hiện gì thì đột nhiên hình ảnh 100 CÂU HỎI “TÒ MÒ” QUAN TRỌNG hiện lên. Đây là một bài tập tớ thực hiện vào một tháng rưỡi trước khi đọc và tìm hiểu về Leonardo da Vinci_1 bậc thầy của sự sáng tạo. Và trong đấy có viết rằng, để luyện tập được sự sáng tạo đầy cởi mở với thế giới xung quanh thì cần phải học được cách đặt câu hỏi liên tục. Danh sách này gồm bất kỳ loại câu hỏi nào, miễn là nó khiến mình cảm thấy quan trọng. “Làm thế nào để tôi có thể giảm được 3 kg cho 2 tháng sắp tới?”; “Ý nghĩa của tôi khi sinh ra trên thế giới này là gì?”; “Tôi có thể làm gì để mang lại sự ấm no cho gia đình?”,….
(Michael J.Gelb, 2004)
“Hãy lập toàn bộ danh sách trong 1 lần. Viết thật nhanh; đừng lo lắng về chính tả, ngữ pháp hay sự lặp lại một câu hỏi (những câu hỏi lặp đi lặp lại cho bạn biết những chủ đề đang nổi lên). Vì sao lại là 100 câu hỏi? Khoảng 20 câu đầu tiên sẽ “bật ra trong đầu bạn”. Chủ đề thường bắt đầu xuất hiện trong 30 hay 40 câu tiếp theo. Và trong những câu, bạn có thể sẽ khám phá ra điều bất ngờ nhưng sâu xa.”
Lần đó, tớ đã mất hơn 30’ để viết 100 câu hỏi quan trọng được khơi dậy bởi chính sự tò mò của tớ về bản thân mình. Cậu có bao giờ thấy rằng, chúng ta luôn đặt câu hỏi rất nhiều cho những thứ xung quanh mình: “Cô ấy sao mà kì quặc thế?”; “Tại sao giá thịt hôm nay lại lên nhiều thế nhỉ?”; “Quá ngày lĩnh lương rồi mà lương chưa tới, không biết khi nào mới tới?”,… nhưng những câu hỏi dành cho bản thân ta, thật sự nghiêm túc thì chúng ta có ít thời gian cho nó. Thậm chí, chúng ta cũng gặp khó khăn khi đặt ra nó; cũng có thể chúng ta nghĩ rằng những câu hỏi không quan trọng, hay thật phí thời gian. Và điều đấy đã đến lúc cần thay đổi, chúng ta cần sự ủng hộ và tìm tòi bản thân mình hơn bao giờ hết. Bởi vì những câu hỏi chân thật thực sự có khả năng mang lại những suy ngẫm sâu sắc cho sự phát triển của con người. Làm sao có thể sống hạnh phúc với chính mình khi chính ta không cho mình nhìn thấy con người bên trong?

Photo by Pixabay on Pexels.com
Khi cậu viết,những câu hỏi sẽ không được trả lời vào lúc đó, cũng không cần cố trả lời chúng. Sự sáng tạo và tò mò đã được khơi dậy khi viết nhưng sau đó cũng có thể lắm suy nghĩ ập đến. Và để tránh tốn quá nhiều năng lượng, cậu chỉ cần đọc lại những gì mình viết để biết những điều gì đặc biệt. Hãy thư giãn , rồi chép lại 10 câu hỏi quan trọng nhất tại thời điểm đó sang 1 tờ giấy. (10 câu hỏi này có thể bỏ, thêm vào tùy từng lúc).
Tớ gạch chân những lĩnh vực hay được nhắc tới và phát hiện ra những câu hỏi tớ cảm thấy khó khăn lại là chính những vết thương trầy trật trong lòng. Dù biết chúng chưa lành, nhưng tớ chưa từng cố gắng trả lời những câu hỏi đó. Chỉ khi qua 1 tháng rưỡi, với những điều cả cũ lẫn mới xảy đến, tớ mới cảm nhận rõ hơn những cảm giác cho câu trả lời nghiêm chỉnh trong mình. Ngồi đối diện với 9 ô trống này, tớ nhận ra rằng đây là cơ hội để tớ biểu lộ những suy ngẫm lên trang giấy.
10 câu hỏi “tò mò” quan trọng của tớ như sau:
- Liệu tôi có mở bản thân mình tới với thế giới?
- Hãy trả lời tôi, cuộc đời, tôi được sinh ra với sứ mệnh gì?
- Website “Đường Tiệm Cận” của tôi sẽ sống trong 5 năm tới chứ?
- Liệu tôi có thể trở thành một người mẹ đủ tốt (trong tương lai nếu tôi có con)?
- Tôi có thể đi học art – therapy chứ?
- Làm thế nào để tôi có thể phát triển bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật trị liệu?
- Tôi đang tìm kiếm điều gì “thực sự” trong cuộc đời mình?
- Điều gì khiến tôi cảm thấy hạnh phúc khi mơ ước về?
- Tôi có yêu chính tôi?
- Liệu tôi có xuất hiện và để sự hiện diện của mình chạm tới những người khác?
Tớ chọn câu hỏi 1-9 để làm gợi ý về việc biểu đạt “trái tim nghệ thuật” cho chính mình. Thử thách 9 ô trống “#mydoodlesofwisdom art challenge” được tớ thực hiện từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Tớ sử dụng bút chì để vẽ, lúc thì uốn lượn, lúc thì bôi màu, lúc thì nhúng nước và khi thì ngồi căn chỉnh vẽ chữ. Dù sử dụng bút chì, màu đất dầu, phấn, màu nước hay bút mực thì tớ luôn đặt tiêu chí quan trọng nhất lên đầu: “Nguệch ngoạc một cách tự do”. Khi để mọi thứ trôi chảy tự nhiên, đôi tay sẽ được làm điều nó muốn. Không quan trọng xấu hay đẹp, không quan trọng lem hay đều. Không quan trọng là ngồi mất thời gian cả tiếng hay 5’. Chỉ quan trọng bản thân mình được thành thật trong giờ phút ấy.
Khi nhìn lại, có rất nhiều những cảm giác trôi nổi trong lòng tớ. Tớ thấy một con người chưa sẵn sàng mở mắt ra với thế giới diệu kì. Tớ thấy đôi mắt của chim phượng hoàng mở đầy quyền năng. Tớ thấy sự băn khoăn khi nghĩ về việc trở thành mẹ của một đứa trẻ. Tớ thấy sự tiến triển chậm rãi như hình bóng của cái cây hay chiếc đầu người. Tớ thấy sự ấm áp và hạnh phúc trong lòng mình tràn ra một ô trống. Một điều khiến tớ bất ngờ là khi nhìn vào ô thứ 7, ở góc trái trên cùng, là dòng viết tớ ngoáy thật nhanh để trang trí khi xong ô nhìn thật giống chữ “Art”. Ngẩn người và cười mỉm vui thú, tớ thấy đúng là “Art” đã ôm ấp xung quanh mình.
Thật đẹp khi nhận ra thế giới luôn mở lòng và tớ thầm biết ơn điều ấy.
Tớ rất mong muốn mời cậu tham gia thử thách này, cho chính mình một cơ hội để được ngắm nghía bản thân dưới đôi mắt khác. Hãy thử xem sao! Và nếu như cậu cũng như tớ, băn khoăn không biết vẽ gì thì tớ gợi ý cậu thực hiện những câu hỏi “tò mò” quan trọng. Cậu có thể viết 9 hay 10 hay 100 câu, không quan trọng, miễn sao cậu cảm thấy gần được với chính mình.
Hãy đi tìm con người của cậu đi nhé!
Chúc cậu một ngày vui!